THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ đang tự bắn vào chân mình vì kiểu làm ăn chụp giựt
Ông Tuấn Hà, CEO Vinalink đánh giá, bên cạnh những người làm thương mại điện tử, Internet Marketing uy tín, chân chính thì hiện nay có những người chỉ nhằm mục tiêu làm sao kiếm tiền nhanh, làm ăn chộp giật và thậm chí lừa đảo.Theo thống kê sơ bộ, tại Việt Nam hiện có hàng triệu người tham gia thị trường thương mại điện tử, trong đó hơn 400.000 tài khoản có trả tiền trên Facebook, khoảng 30.000 doanh nghiệp làm thương mại điện tử, sử dụng các công cụ Internet Marketing để phục vụ hoạt động kinh doanh...
“Ví dụ họ đăng ký trên một hệ thống thương mại điện tử của thế giới nhưng lại sử dụng chiêu trò bùng tiền của người ta, dẫn tới việc bị ban nick. Thậm chí, những người như thế gây ra tiền lệ rất xấu khiến cho có hệ thống thương mại điện tử nước ngoài họ cứ thấy tài khoản của Việt Nam là trảm ngay”, ông Tuấn Hà nêu ví dụ.
Trao đổi thêm với ICTnews, chuyên gia này còn cho hay trong nước có những người kinh doanh hàng Trung Quốc, thường xuyên lên Alibaba, TaoBao… lấy hàng về để bán tại Việt Nam. Vì muốn có lợi nhuận nhiều nên họ sẵn sàng lấy hàng kém chất lượng dù trước đó cam kết, quảng cáo là hàng tốt.
Hàng của Trung Quốc thì mức giá nào họ cũng có thể đáp ứng. Hàng chất lượng kém mang về Việt Nam bán khiến cho người tiêu dùng than phiền là do chính người Việt đặt, gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, mất niềm tin của người tiêu dùng.
Chuyên gia Tuấn Hà nhấn mạnh thực trạng này liên tục tái diễn đã tạo ra tiền lệ xấu cho hoạt động mua hàng online, dẫn tới tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam ì ạch.
Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương) đánh giá, với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên theo giới phân tích, để khai thác được miếng bánh của thị trường này so với tiềm năng không dễ dàng.
Suốt thời gian qua, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong các giao dịch thương mại điện tử đã gây nên tâm lý hoang mang, mất niềm tin cho người tiêu dùng trực tuyến trong nước.
Trao đổi với ICTnews đầu tháng 9/2017, ông Pine Kyaw cũng cho rằng để thu hút được nhiều hơn nữa người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử, vấn đề gây dựng lòng tin là yếu tố sống còn tuy rằng rất nan giải. Ngoài ra phải giải quyết từ việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, quảng cáo trung thực, giao hàng đúng hẹn…
Khi mua sắm trực tuyến, người Việt phàn nàn nhiều nhất về nạn hàng nhái và giá sản phẩm.
Mặc dù phát triển nhanh chóng, nhưng thị trường thương mại điện tử Việt còn tiềm tàng nhiều thách thức. Số đông người tiêu dùng Việt vẫn chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ. Vì thế, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt phải tìm hiểu, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng.
Và nói như chuyên gia Tuấn Hà, để thị trường thương mại điện tử trong nước có thể phát triển, chính các cá nhân tham gia vào cộng đồng này phải nhận thức ra vấn đề để cùng biết bảo vệ uy tín cho nhau, để thị trường phát triển bền vững hơn.