Đậu Đỏ Chứa Bao Nhiêu Calo? Ăn Đậu Đỏ Có Mập Không?
Đậu đỏ là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, nếu bạn sử dụng hợp lý không những không làm bạn mập mà còn có thể hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Đậu đỏ chứa bao nhiêu calo?
100g đậu đỏ sống chứa khoảng 329 calo ( đậu đỏ còn vỏ). Tuy nhiên, lượng calo sẽ giảm còn 128 calo khi đậu đỏ được làm chín. Nguyên nhân làm cho lượng calo giảm xuống là do khi luộc chín, đậu đỏ nở to hơn và hấp thụ nhiều nước hơn, nên làm tăng khối lượng mà lại giảm lượng calo.
Vậy nên, khi được làm chín thì đậu đỏ có lượng calo khá thấp, đây cũng là một loại thực phẩm lành mạnh, nên bạn có thể sử dụng mà không cần quá lo lắng là nó sẽ gây tăng cân.
Ngoài ra, đậu đỏ còn chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là lượng chất đạm thực vật, do đó, nó phù hợp cho những người ăn kiêng và ăn chay.
Đậu đỏ có các chất dinh dưỡng nào?
Đậu đỏ chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết, trong 100g đậu đỏ có những chất dinh dưỡng như:
- Chất đạm: 17.3g
- Chất xơ: 16.8g
- Chất béo (Fat): 0.2g
- Carbs: 57g
- Vitamin B1: 3mg
- Vitamin B2: 0.1mg
- Vitamin B3: 1.6mg
- Vitamin B6: 0.2mg
- Phốt pho: 386mg
- Canxi: 64.4mg
- Kali: 1224mg
- Sắt: 4.6mg
- Mangan: 1.3mg
- Kẽm: 4.1mg
- Magie: 120mg
- Đồng: 0.2mg
- Các axit amin như histidine, isoleucine, tryptophan, valine, lysine, leucine
- Các chất chống oxy hóa...
Protein có trong đậu đỏ
Protein là một thành phần quan trọng trong đậu đỏ, là một nguồn cung cấp dinh dưỡng đặc biệt cho người ăn chay và thuần chay.
Tuy protein từ đậu đỏ không bằng protein động vật, nhưng nó vẫn là một sự lựa chọn lý tưởng. Thực tế, đậu đỏ được coi là một trong những nguồn protein thực vật dồi dào và thường được gọi là "thịt phiên bản giá rẻ".
So với protein động vật thì protein trong đậu đỏ ít calo và chứa ít chất béo bão hòa hơn, điều này có lợi cho sức khỏe tim mạch. Một loại protein trong đậu đỏ được nghiên cứu nhiều nhất chính là Phaseolin, nhưng cũng cần lưu ý rằng nó có thể gây dị ứng cho một số người.
Đậu đỏ chứa protein phong phú, trong đó còn có lectins và protease inhibitors.
Ngoài đậu đỏ ra, bạn có thể tìm thấy protein thực vật chất lượng từ các hạt, ngũ cốc khác.
Các thực phẩm bổ sung như Vegan Protein, cũng là một nguồn protein thực vật lành tính, dễ hấp thu và tiêu hóa, phù hợp cho người ăn chay.
Chất xơ có trong đậu đỏ
Chất xơ trong đậu đỏ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa. Đậu đỏ chứa nhiều loại chất xơ như tinh bột kháng và alpha-galactoside, cả hai đều có chức năng prebiotic, giúp cải thiện sức khỏe của đường ruột, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Theo khuyến nghị từ Viện Hàn lâm Khoa học, kỹ thuật và y học quốc gia (Mỹ), mỗi ngày cần tiêu thụ từ 25 - 38g chất xơ. 1 cốc đậu đỏ bổ sung khoảng 11.3g chất xơ - khoảng 45% nhu cầu mỗi ngày đối với nữ giới và 30% nhu cầu mỗi ngày đối với nam giới.
Carbohydrate có trong đậu đỏ
Carbohydrate là thành phần dinh dưỡng chính trong đậu đỏ, chiếm đến 76% tổng lượng calo. Các carbohydrate này chủ yếu bao gồm amylose và amylopectin, hai dạng chuỗi glucose dài. Đậu đỏ nổi bật với hàm lượng amylose cao, từ 30 đến 40%, cao hơn so với các loại tinh bột thông thường trong chế độ ăn uống hàng ngày. Amylose khó tiêu hóa hơn amylopectin, đây là lý do tại sao carbohydrate trong đậu đỏ được tiêu hóa chậm, nên lượng đường huyết không bị tăng đột ngột mà thay vào đó là tăng lên từ từ và nó cũng thấp hơn các loại Carbohydrate khác, điều này rất có ích cho những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Thêm vào đó, chỉ số đường huyết của đậu đỏ tương đối thấp, không gây ra sự biến đổi lớn về đường huyết sau khi ăn. Điều này giúp đậu đỏ trở thành một lựa chọn tốt để duy trì sự cân bằng đường huyết, đặc biệt so với các thực phẩm giàu carbohydrate khác. Điều này làm cho đậu đỏ trở thành một phần quan trọng trong chế độ ăn lành mạnh.
Các loại vitamin và các khoáng chất có trong đậu đỏ
Đậu đỏ là một nguồn cung cấp phong phú các vitamin và khoáng chất thiết yếu, bao gồm:
- Vitamin B9: Đây là một dưỡng chất quan trọng, đặc biệt cần thiết bà bầu.
- Sắt: Loại khoáng chất nonheme này thường được tìm thấy trong thực phẩm thực vật, hoạt tính sinh học và có khả năng hấp thụ thấp hơn so với sắt từ nguồn gốc động vật, phần lớn do sự hiện diện của phytate trong đậu.
- Magie: Cung cấp khoảng 30% nhu cầu magie mỗi ngày, magie đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức khỏe của hệ thần kinh, cơ bắp và tim mạch.
- Phốt pho: Đậu đỏ chứa gần 39% lượng phốt pho cần thiết mỗi ngày, giúp hỗ trợ sự hình thành của xương và răng, cũng bổ sung năng lượng.
- Mangan: Có nhiều trong các loại thực phẩm, nhất là đậu, trái cây và rau củ.
- Kali: Đậu đỏ là một nguồn kali dồi dào, giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Những dưỡng chất này không chỉ đóng góp vào sức khỏe tổng thể mà còn hỗ trợ các chức năng cụ thể của cơ thể, làm cho đậu đỏ trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh.
Ăn đậu đỏ có mập không?
Lo ngại về việc tăng cân khi ăn đậu đỏ là không cần thiết. Đậu đỏ được đánh giá cao khi sử dụng để hỗ trợ giảm cân nhờ giá trị dinh dưỡng cao và khả năng hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Theo một nghiên cứu với 30 người lớn thừa cân, thực hiện trong hai tháng, việc bổ sung đậu và các loại đậu khác vào chế độ ăn uống bốn lần mỗi tuần đã cho thấy hiệu quả giảm cân rõ rệt so với những người không ăn đậu.
Đậu đỏ giàu chất xơ và protein, giúp tạo cảm giác no lâu, từ đó giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Ngoài ra, đậu đỏ còn có thể hỗ trợ giảm nguy cơ tăng cân nhờ nó có thể cải thiện sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong đường ruột, kích thích các vi khuẩn có lợi phát triển.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu bạn ăn quá nhiều đậu đỏ hay chế biến đậu đỏ chứa nhiều đường và năng lượng thì khi bạn ăn có thể dẫn đến tăng cân. Vì vậy, việc chọn lựa cách chế biến đậu đỏ ít calo và phù hợp với nhu cầu sức khỏe cá nhân là rất quan trọng. Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp ăn đậu đỏ cùng chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh và thể thao thường xuyên để giảm cân hiệu quả.
Nhược điểm khi tiêu thụ đậu đỏ
Mặc dù đậu đỏ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, việc tiêu thụ đậu sống hoặc chưa được chế biến chín hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, những tác hại của đậu đỏ bao gồm:
Giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng
Trong đậu đỏ sống có chứa nhiều chất phản dinh dưỡng như axit phytic, chất ức chế protease và chất ức chế tinh bột, gây ra hiện tượng giảm hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn.
Tồn dư độc tính
Đậu đỏ sống chứa một lượng lớn là phytohaemagglutinin - đây là protein độc hại, có thể gây ra ngộ độc với triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, ở cả người và động vật. Thậm chí nặng hơn thì bạn cần phải nhập viện.
Tuy nhiên bạn cũng yên tâm, khi đậu đỏ được chế biến đúng cách và nấu chín thì các độc tố này đuọc loại bỏ. Khi nấu đậu đỏ tốt nhất bạn nên ngâm khoảng 5 giờ trước khi nấu và nấu ở nhiệt độ 100 độ C tối thiểu 10 phút.
Tình trạng đầy hơi, chướng bụng
Đậu đỏ có thể gây ra đầy bụng, tiêu chảy ở một số người do chất xơ không hòa tan alpha-galactoside. Tuy nhiên, việc ngâm và làm đậu nảy mầm có thể giúp loại bỏ phần nào của chất này, giảm nguy cơ tác dụng phụ.
Việc chế biến đậu đỏ một cách đúng cách, như ngâm và nấu chín, là quan trọng để loại bỏ hoặc giảm thiểu những tác hại trên và đảm bảo sự an toàn và bổ dưỡng cho người tiêu dùng.