Có Nên Ăn Cam Khi Bị Cảm Cúm Không?
Có nên ăn cam khi bị cảm cúm không?
Cam là một loại trái cây với hàm lượng vitamin C dồi dào, khi tiêu thụ nó có thể giúp bạn cải thiện sức đề kháng, đó cũng là lý do khi bị cảm chúng ta thường được khuyên bổ sung thêm vitamin C từ cam hay viên C sủi. Tuy nhiên, không phải lúc nào uống nước cam cũng là lựa chọn tốt, đặc biệt với một số bệnh lý nhất định thì lại không nên sử dụng cam.
Nước cam là một lựa chọn tuyệt vời để nâng cao hệ miễn dịch, giúp người bệnh nhanh hồi phục. Cam không chỉ củng cố sức đề kháng mà còn hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Ngoài ra, cam còn có nhiều lợi ích khác như cải thiện tiêu hóa, giảm mệt mỏi và làm đẹp da. Vì vậy, khi bị cảm cúm, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng cam để giúp nhanh lành bệnh.
Nhưng nếu bạn bị cảm cúm mà còn có dấu hiệu viêm họng, hãy tránh ăn cam cho đến khi triệu chứng này hết hẳn. Vì cam chứa nhiều axit có thể khiến tình trạng này nặng hơn.
Top 7 thực phẩm khi bị cảm cúm bạn nên dùng
Khi bị cảm cúm, để nhanh hồi phục sức khỏe ngoài uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ thì bạn nên tăng cường bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Một số thực phẩm tuyệt vời dành cho người bị cảm cúm mà bạn có thể tham khảo như:
Trái cây có hàm lượng vitamin C cao
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ hệ miễn dịch. Đặc biệt, vitamin C hỗ trợ duy trì sức khỏe tế bào và giảm viêm, giúp cơ thể chống lại cảm lạnh thông thường và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Các loại trái cây mà bạn có thể sử dụng khi bị cảm cúm như cam, chanh, dâu tây, kiwi, bưởi...., đây đều là những loại quả có lượng vitamin vượt trội, có thể cải thiện tình trạng cúm.
Bông cải xanh
Bông cải xanh là một thực phẩm lý tưởng mà bạn có thể thêm vào thực đơn của mình để nâng cao hệ miễn dịch, cũng như bạn đang muốn ngừa bệnh cảm cúm, cảm lạnh.
Bông cải xanh có chứa sulforaphane, đây là một hợp chất có khả năng kích thích các gene và enzyme chống oxy hóa, từ đó giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại. Do đó, để ngừa cảm lạnh và cúm bạn có thể thêm thực phẩm này vào bữa ăn của mình nhé.
Sữa chua
Sữa chua, đặc biệt là sữa chua Hy Lạp, là thực phẩm giàu protein và chứa nhiều men vi sinh có lợi. Các lợi khuẩn này hỗ trợ hệ tiêu hóa và hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh cảm cúm.
Sữa chua cũng giúp giảm nguy cơ cảm lạnh và rút ngắn thời gian hồi phục khi bị bệnh.
Trứng
Trứng giúp bổ sung cho cơ thể hàm lượng chất đạm chất lượng cao, lại dễ tiêu hóa. Trứng còn chứa nhiều dưỡng chất giúp củng cố hệ miễn dịch, giúp cơ thể ngăn ngừa vi rút và vi khuẩn. Các axit amin có trong chất đạm giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó ngăn ngừa cảm lạnh và cúm.
Ngoài ra, trứng còn chứa vitamin A, vitamin B2, vitamin B9, vitamin B12, cùng với chất béo, sắt, selen..., giúp cơ thể duy trì năng lượng trong quá trình hồi phục. Tuy nhiên, bạn cần chế biến trứng chín hoàn toàn mới ăn nhé.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mì, gạo lứt... là nguồn cung cấp chất béo, chất xơ và các vitamin thiết yếu, khi bổ sung nó giúp bệnh cảm cúm phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngũ cốc tinh chế hay các loại đậu có thể chứa phytate - một hợp chất làm cản trở quá trình hấp thu kẽm, một khoáng chất quan trọng cho sức khỏe.
Bị cảm cúm nên ăn súp gà
Súp gà là một lựa chọn lý tưởng cho người bị cảm cúm, vừa giàu dinh dưỡng vừa dễ tiêu hóa. Thịt gà nhất là thịt gà nạc cung cấp nguồn protein dồi dào và dễ hấp thụ, rất tốt cho người ốm, người có hệ tiêu hóa yếu, hoặc những ai đang gặp triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy.
Hơn nữa, súp gà cũng là món ăn có hàm lượng nước cao và nhiều chất điện giải, giúp bù nước cho cơ thể khi bạn bị tiêu chảy, sốt.... Đặc biệt, món ăn này lại thanh nhẹ, giúp người ốm dễ dàng ăn hơn, giúp phục hồi cơ thể nhanh chóng.
Dầu ô liu
Dầu ô liu nguyên chất là một trong những nguồn chất béo lành mạnh nhất. Loại dầu này không chỉ giúp giảm viêm mà còn cung cấp các dưỡng chất quan trọng cho hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh hơn khi bị ốm. Thêm dầu ô liu vào chế độ ăn uống hằng ngày giúp cơ thể nhận đủ dinh dưỡng thiết yếu và bảo vệ sức khỏe.
Bị cảm cúm không nên ăn gì?
Khi bị cảm cúm, việc tránh một số loại thực phẩm có thể giúp bạn hồi phục nhanh hơn và giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Dưới đây là những loại thực phẩm mà người bị cúm nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn:
Đồ chiên rán và nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chiên rán và nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, gà rán có thể làm cổ họng dễ bị đau, khó chịu hơn, bên cạnh đó nó cũng có thể gây khó tiêu.
Thực phẩm nhiều đường
Đường và các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, bánh ngọt có thể gây viêm nên khi bị cảm cúm bạn không nên sử dụng các thực phẩm chứa hàm lượng đường cao.
Thực phẩm cứng và khó tiêu
Các loại thực phẩm cứng bạn nên tránh ăn khi bị cảm cúm, vì thông thường lúc này cổ họng của bạn có thể nhạy cảm hoặc bị viêm, nếu tiêu thụ đồ ăn cứng có thể gây khó chịu cho cổ họng và làm tình trạng viêm họng trở nên tồi tệ hơn.
Đồ uống có đường và caffein
Đồ uống chứa nhiều đường như nước ngọt, nước trái cây đóng hộp, nước có gas, và đồ uống có caffein như cà phê, trà... có thể làm mất nước, không tốt cho người bị cúm.
Thực phẩm chế biến sẵn
Các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, jambong và đồ ăn nhanh thường chứa nhiều muối và chất bảo quản, lại nghèo dưỡng chất, nên không thích hợp cho người bị cảm cúm sử dụng.