Nâng Cao Hiệu Quả Canh Tác Xoài - Chỉ Dẫn Địa Lý Xoài Cao Lãnh
Dự án tăng cường chất lượng trái cây tại Việt Nam với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật sản xuất, khoa học công nghệ và tiếp cận thị trường xuất khẩu trái cây, cải thiện vị thế của nông dân sản xuất trái cây tại Việt Nam dựa trên việc áp dụng các biện pháp công nghệ sáng tạo và bền vững hướng đến tiêu thụ ở các thị trường cao cấp trong nước và quốc tế.
Nâng cao hiệu quả canh tác xoài
Tại Đồng Tháp, dự án chọn cây xoài là chủ lực. Qua khảo sát thực tế, dự án đã chọn vườn của anh Đặng Phước Hơn ở xã Hòa An, TP. Cao Lãnh có đủ điều kiện tham gia dự án và mời 25 nông dân trồng xoài khác cùng tiếp cận phương pháp canh tác mới. Qua gần một năm triển khai, dự án đã tổ chức được 04 lớp tập huấn cho nhiều nhà vườn, mang lại cho nông dân nhiều kiến thức bổ ích, những kỹ thuật cần thiết về quản lý trồng xoài theo quy trình. Nhờ sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn kết hợp khảo sát thực tế, nghiên cứu cách canh tác của nhà vườn cũng như xét nghiệm đất vườn, nhiều bà con đã nhận ra sai lầm trong việc thâm canh cây xoài lâu nay của mình.
Ông Võ Hoà Thuận – Nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Ông Võ Hoà Thuận – Nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát biểu: “Mấy năm trước chưa có dự án này thì nông dân tự làm vô phân nhiều khi chưa cân đối. Khi có bản xét nghiệm đất thì biết cái gì thiếu cái gì thừa nên mình cắt bớt giảm lại, tăng cái còn lại, tạo điều kiện cho đất mình điều hoà đó gọi là khám sức khỏe cho vườn. Nên là từ đó mình coi cái bảng xét nghiệm, mình điều tiết lượng hàm, lượng phân, nước trong vườn của mình. Lúc trước nhiều khi đạm thừa, lân thừa, Kali thiếu. Còn bây giờ mình chuyển đổi mình xài 3 số, là 3 số điều hòa, rồi mình thêm cái canxi vô”.
Ông Đặng Phước Hơn – Nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Ông Đặng Phước Hơn – Nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát biểu: “Tôi cũng có hỏi bên dự án là diện tích đất của tôi đó là cũng có bản thống kê đó, đề cập tới vấn đề đất thiếu. Tôi cũng hỏi mấy chuyên gia cần bổ sung gì thì nhận được nhiều lời khuyên. Cây thiếu chất gì thì mình thì cung cấp lại cho cây chất đó. Lợi ích rất nhiều, mình thay đổi cách làm, nhất là vụ tôi làm là không có theo quy trình, bây giờ là tôi theo quy trình, ví dụ là xử lý sợi phục hồi, ví dụ tôi xới đất rồi rãi hữu cơ, sau đó chiết cành tạo tán, sau đó bỏ vô máy xay nhuyễn ra, rãi trên lớp mặt, cộng với hữu cơ là cho xốp đất. Rồi xong đó tôi mới xử lý rãi phân cho nó đi lọc đều".
Qua khảo sát thực tế, đất vườn xoài là loại cây ăn trái lâu năm đã có những biểu hiện suy thoái như chất hữu cơ trong đất giảm, đất bị nén dẽ, lớp đất mặt và dưỡng chất bị rửa trôi, đất bị chua quá, đất bị mặn quá do phân hoá học, nấm bệnh trong đất phát triển nhiều. Do đó, cần có những kỹ thuật canh tác làm chậm tiến trình này, giúp sản xuất cây ăn trái được bền vững, đảm bảo năng suất và chất lượng. Đầu tiên, là nhà vườn bổ sung phân hữu cơ để cải tạo đất, hiệu quả thấy rất rõ sau một mùa vụ.
Ông Đặng Hồng Tâm – Nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Ông Đặng Hồng Tâm – Nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát biểu: “Mảnh vườn mình làm ức chế nó quá thì phải suy, bây giờ mình vô tổ chức các chuyên gia lại hướng dẫn mình, trước hết là mình xử lý cho vườn phân hữu cơ, mình tạo lại bộ rễ, mình tạo lại bộ tán cho cây có sức sống lại, lọc ra tán mới lại, cây xoài mới có sức sống, mới có năng suất lại. Vườn mình lâu năm quá thì mình cần phải bổ sung thêm hữu cơ nhiều lên. Làm cho cái bộ rễ, đất đai tươi xốp lại, là nhà vườn nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe đất vườn”.
Qua khảo sát, nhiều vườn xoài lâu năm có độ pH rất thấp. Các nhà chuyên môn tư vấn, bên cạnh cung cấp thêm phân hữu cơ, thì bổ sung vôi là cách cải thiện độ pH, cũng như bổ sung chất trung vi lượng. Thay vì chỉ phun qua lá như trước đây, bà con bổ sung vào đất, hiệu quả bền hơn. Khi cây hút nhiều vôi, sẽ giúp hàm lượng đạm giảm xuống, các vi sinh vật rễ phát triển thuận lợi.
Ông Võ Hoà Thuận – Nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát biểu: “Sau khi áp dụng, cây thứ nhất, trái ít rụng, trái tròn, dẻ trái xoài, màu đẹp hơn, bộ lá không còn bị vàng. Hồi trước, mình mới mua phân bóng lá, nó có canxi, hàm lượng trong đó nhưng mà hàm lượng quá ít. Còn bây giờ mình chỉ cần mua canxi”.
Các nhà khoa học đã xác định được nhu cầu vôi và canxi của cây trồng. Canxi là một trong những nguyên trung lượng cần thiết cho sự sống của cây trồng. Canxi đóng vai trò quyết định, kích thích rễ cây phát triển, hình thành các hợp chất cấu tạo màng tế bào, làm tăng hoạt tính một số men, trung hòa các axit hữu cơ trong cây, giảm rụng trái non, giảm sâu bệnh gây hại. Từ khi cung cấp vôi cải tạo đất, nhiều vườn xoài đã cải thiện chất lượng trái rất nhiều so với trước.
Trong điều kiện khí hậu thay đổi, mưa nhiều, cộng với việc thâm canh, kết hợp với việc xử lý cho trái liên tục làm cho sức khỏe vườn cây ngày càng suy kiệt, chi phí tăng cao, lợi nhuận ngày càng thấp. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng cây xoài, cần thay đổi lối canh tác, chú ý nhiều hơn đến sức khỏe cây trồng. Nếu sức khỏe vườn xoài được chăm sóc tốt, việc xử lý ra bông sẽ thuận lợi hơn, giảm ảnh hưởng của thời tiết.
Vì theo nhiều nhà vườn hiện nay, xử lý xoài ra bông đậu trái là một trong những khâu khó nhất do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Thường thì nhà vườn phải tốn nhiều chi phí xử lý từ khâu ra bông, đậu trái. Do đó, nếu cải thiện sức khỏe cây xoài dễ ra bông, dễ đậu trái, nhà vườn sẽ giảm chi phí, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, từ đó có thể hướng đến canh tác an toàn.
Ông Lê Bửu Thái Hoà – Chủ tịch Hội nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Ông Lê Bửu Thái Hoà – Chủ tịch Hội nông dân xã Hoà An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát biểu: “Đối với dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam thì nhằm làm giảm giá thành sản xuất rồi nâng cao chất lượng nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với thời gian trước đây. Trong quá trình thực hiện dự án, cũng đã chọn ra 25 hộ dân làm nồng cốt, để các đơn vị tài trợ cũng như là các chuyên gia hướng dẫn về các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao. Qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật thì người dân cũng nắm rõ về các quy trình từng bước tạo ra sản phẩm sạch, an toàn”.
Chỉ Dẫn Địa Lý Xoài Cao Lãnh
Để phát huy hết lợi thế và đem lại thu nhập ổn định cho nhà vườn trồng xoài bên cạnh việc thay đổi lối canh tác khai thác vườn cây quá mức thì việc xây dựng mã số vùng trồng kết hợp khai thác yếu tố Chỉ dẫn địa lý là hướng đi lâu bền cho cây xoài của Đồng Tháp.
Hiện nay tổng diện tích trồng xoài tại Đồng Tháp hơn 14.000 ha sản lượng gần 137.000 tấn. Xoài là một trong 05 ngành hàng chủ lực của đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Toàn tỉnh có 296 vùng trồng xoài với diện tích trên 8.200 ha được cấp mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang những thị trường như Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Nga và Singapore. Các tổ chức cá nhân được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh đã và đang dần phát huy khai thác tốt những thế mạnh và tiềm năng vốn có, góp phần quảng bá và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nguyễn Thị Tuyết Hoa – Phó CN cục trưởng CN cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp
Nguyễn Thị Tuyết Hoa – Phó CN cục trưởng CN cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp phát biểu: “Phát triển từ nhãn hiệu chứng nhận xoài Cao Lãnh cũng như là xoài Các chu Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài với mong muốn là nâng cao cũng như là giữ gìn giá trị của xoài Đồng Tháp đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện nay, Sở Nông nghiệp đã ban hành các quy chế về Chỉ dẫn địa lý để quản lý về chất lượng cũng như việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm xoài nâng cao danh tiếng cũng như giá trị hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh cho người dân ở thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Từ khi tiếp nhận tới nay thì Sở Nông nghiệp đã cấp cho 02 đơn vị sử dụng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Westernfarm và Công ty TNHH Nông sản sạch T & H. Chi Cục cũng sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp ban hành các kế hoạch để giám sát quy trình sản xuất cũng như việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý này”.
Bên cạnh lợi ích to lớn của Chỉ dẫn địa lý về chất lượng sản phẩm, việc tiêu thụ sản phẩm xoài trên thị trường còn cần tới thương hiệu thể hiện uy tín của sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản là những công cụ để nâng cao thu nhập của nhà vườn và góp phần phát triển nông thôn. Để xây dựng thương hiệu nông sản cần thiết phải tạo sản phẩm tốt và ổn định, cải tạo giống cây trồng chất lượng cao, hoàn thiện công nghệ sau thu hoạch và đầu tư chăm sóc để có trái xoài giá trị cao.
Nguyễn Thị Tuyết Hoa – Phó CN cục trưởng CN cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp phát biểu: "Để mọi người hiểu được giá trị cốt lõi của Chỉ dẫn địa lý là gì và tại sao khi một sản phẩm được mang bảo hộ Chỉ dẫn địa lý thì rất có giá trị đối với thị trường, khu vực và quốc tế. Với phương châm là mưa dầm thấm lâu thì Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, song song đó việc quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm xoài khi mang Chỉ dẫn địa lý cũng quan trọng không kém. Bên cạnh đó cần có sự đồng hành và quyết tâm của các công ty, doanh nghiệp khi họ là một chủ thể chính đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Giải pháp hiện nay của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn là sẽ không thu phí đối với các doanh nghiệp đăng ký quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân sử dụng và lan tỏa đến nhiều người. Phối hợp với Công ty TNHH Tài sản Trí Tuệ Việt thực hiện nhiệm vụ Công ty Khoa học Công nghệ cấp Quốc gia về nội dung quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu. Hiện nay thì tỉnh cũng đã có thành lập Hội Ngành hàng Xoài Đồng Tháp và đây là một trong những tổ chức tập thể sẽ hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn quản lý phát triển Chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài nhằm lan tỏa phát triển xoài mang chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh đến được với nhiều người tiêu dùng trong thời gian tới".
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Truyền Hình Đồng Tháp
- Cre: Ngọc Oai, Lê Duyên, Hoàng Sơn, Trần Tín
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập vào liên kết bên dưới...