Chuyển Đổi Số Ngành Nông Nghiệp
Nhằm từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ, hạ tầng cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, tích hợp nền tảng số nông nghiệp tiến đến số hoá quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, theo chuỗi đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình sản xuất gắn với hình thành hệ thống phân phối sản xuất nông sản thành phố dựa trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy nông dân tham gia chuyển đổi số nông nghiệp.
Kết hợp, thúc đẩy chuyển đổi số
Thực hiện Kế hoạch số 248 ngày 31 tháng 7 năm 2023 của UBND Thành phố Cao Lãnh về thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp TP. Cao Lãnh năm 2023. Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Thành phố Cao Lãnh xây dựng kế hoạch số 297 ngày 07 tháng 08 năm 2023 về việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp TP. Cao Lãnh năm 2023. Nhằm từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ, hạ tầng cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, tích hợp nền tảng số nông nghiệp tiến đến số hoá quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, theo chuỗi đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình sản xuất gắn với hình thành hệ thống phân phối sản xuất nông sản thành phố dựa trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy nông dân tham gia chuyển đổi số nông nghiệp.
Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Cao Lãnh đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Tin học thành phố, các phòng ban có liên quan và Uỷ ban nhân dân các xã phường, tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ thành phố đến xã phường, thông qua phát triển hệ thống phần mềm quản lý mã số dùng trồng, phần mềm bản đồ nông sản, phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật, đảm bảo tích hợp với hệ thống dữ liệu của thành phố và tỉnh, như phần mềm hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam VDA.com, VDS.com giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số.
Nông dân trồng xoài phấn khởi áp dụng Chuyển đổi số
Anh Đặng Phước Hơn – Nông dân xã Hoà An, Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp
Anh Đặng Phước Hơn – Nông dân xã Hoà An, Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp chia sẻ: “Áp dụng giàn tưới được lợi rất nhiều, ví dụ có mưa thì rửa cho bớt nước mưa, giữ bông cho tươi. Tới mùa nắng thì mình rửa sương mai sau đó tưới thuốc lại, bằng cách này sẽ đỡ tốn kém chi phí hơn. Có bảng thống kê, thiếu chất gì thì bổ sung, cung cấp lại cho cây, xử lý ra hoa, cho trái ngon và mình thay đổi cách làm theo đúng quy trình, phòng ngừa trước khi có bệnh tấn công”.
Đến đây có 7 Hội quán, Hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm như sổ nhật ký sản xuất điện tử FaceFarm.vn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác. Hiện thành phố có 40/40 sản phẩm Ocop đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên đã có mặt trện sàn thương mại điện tử PostMart.vn, đạt tỷ lệ 100%.
Chị Bùi Thị Thanh Thuỷ – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng
Chị Bùi Thị Thanh Thuỷ – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng chia sẻ: “Chuẩn bị rất là nhiều sản phẩm xoài, sấy, cái cây sấy, các sản phẩm có mặt ở đây đều là những sản phẩm Ocop 3 sao, 4 sao và 5 sao của tỉnh để cung cấp cho thị trường”.
Phối hợp với Bưu điện tỉnh Đồng Tháp tập huấn, hướng dẫn thành viên của 10 Hội quán, Hợp tác xã có hoạt động thương mại điện tử tại các sàn giao dịch, tham gia đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart.vn, thông qua sự hỗ trợ của tổ Công nghệ số cộng đồng.
Ông Trần Quang Thâu – Chủ cơ sở sản xuất xoài Cát chu sấy dẻo Lộc Thịnh Phát
Ông Trần Quang Thâu – Chủ cơ sở sản xuất xoài Cát chu sấy dẻo Lộc Thịnh Phát chia sẻ: “Rất vui vì được cấp lãnh đạo quan tâm và đưa sản phẩm xoài Cát chu sấy dẻo của tôi lên sàn thương mại điện tử của PostMart.vn. Nhận thấy sản phẩm xoài của tôi đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được hương vị, giữ được bản sắc, nhất là mình làm sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương để phát triển thêm cho địa phương mình tốt đẹp hơn. Tôi cũng hy vọng rằng sản phẩm sẽ được phân phối rộng rãi đến tay người tiêu dùng, và trong tương lai gần sẽ được xuất khẩu”.
Để từng bước hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin toạ độ vườn trồng nông sản có tham gia mã số vùng trồng, thông tin mùa vụ và tình trạng của các mã số vùng trồng trên ứng dụng quản lý mã số vùng trồng của thành phố tại trang website nongsan.tpcaolanh.dongthap.gov.vn, đồng thời công bố chính thức các nền tảng giữ liệu số nông nghiệp này trên Trung tâm Giám sát, phối hợp với Bưu điện tỉnh Đồng Tháp tập huấn, hướng dẫn thành viên của 10 Hội quán, Hợp tác xã có hoạt động thương mại điện tử tại các sàn giao dịch, nông sản của ấp Tân Hậu và Tân Dân xã Tân Thuận Tây, tổ chức 04 lớp tập huấn, toạ đàm cho các xã Mỹ Ngãi, Tân Thuận Đông, Tịnh Thới và Hòa An, có trên 120 nông dân tham dự.
Hỗ trợ 02 mô hình sản xuất nho sử dụng phân hữu cơ kết hợp du lịch, có áp dụng hệ thống tưới thông minh điều kiển từ xa bằng điện thoại di động hoặc bằng remote, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, nhật ký sản xuất điện tử FaceFarm.vn, triển khai thực hiện, phát hành phiếu thu thập thông tin khảo sát, tích hợp ứng dụng phần mềm bản đồ nông sản và phần mềm quản lý mã số vùng trồng, áp dụng cho các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở kinh doanh mua bán xoài và nông dân sản xuất nông nghiệp tại xã Tân Thuận Đông, Tịnh Thới, Mỹ Ngãi, Tân Thuận Tây và Hòa An.
Anh Lê Chí Sĩ – Nông dân xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Anh Lê Chí Sĩ – Nông dân xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp chia sẻ: “Được cập nhật lên bản đồ số nông sản của thành phố, tôi thường xuyên lên bản đồ để cập nhật thông tin từ giai đoạn cây ra hoa và đậu trái. Cập nhật thông tin lên để khi ra hoa, ra trái rồi sẽ biết được sản lượng và thời gian mình dự kiến mà thu hoạch. Nhìn chung rất là tiện lợi cho người nông dân, cho doanh nghiệp thấy được số lượng nông sản và thời gian thu hoạch để đến ký kết hợp đồng thu mua, tôi thấy rất tiện lợi”.
Cao Lãnh đẩy mạnh Chuyển đổi số trong Nông nghiệp
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Uỷ ban dân thành phố, sự phối hợp của các phòng ban, ngành, thành phố và các xã phường. Đến nay, các xã phường đều có thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hỗ trợ điều tra, cập nhật thông tin, đồng thời nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của các nhà vườn tham gia vào các mô hình cũng như cung ứng các phần mềm.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế nhất định. Do lĩnh vực nông nghiệp đa phần là nông dân lớn tuổi hạn chế về công nghệ, nên việc cập nhật dữ liệu trên thiết bị thông minh còn gặp nhiều khó khăn. Số hộ nông dân lớn tuổi không sử dụng hoặc không có điện thoại thông minh để tự cập nhật thông tin vườn trồng trên các ứng dụng phần mềm.
Để từng bước hoàn thiện dữ liệu số về nông nghiệp, góp phần thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Cao Lãnh. Trong thời gian tới, trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố tiếp tục phối hợp với các phòng, ban ngành và trung tâm Tin học thành phố thực hiện tích hợp hoặc liên kết các phần mềm, trang web có liên quan đến chuyển đổi số nông nghiệp, để thuận tiện cho nông dân truy cập ứng dụng. Tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thiện việc thu thập dữ liệu số trong lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo cho các tổ chức cá nhân tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tham gia tốt vào các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản.