Thực Trạng Chuyển Đổi Số Trong Ngành Y Tế
1. Bối cảnh
Bối cảnh ngành y tế - chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi đáng chú ý. Với hơn 50 năm xây dựng và phục hồi kinh tế sau khi độc lập, Việt Nam đã vượt qua tình trạng nghèo đói để trở thành một quốc gia với thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người là 3694,02 USD - 2021). Sự tăng trưởng này đã tạo đà cho sự quan tâm ngày càng tăng của người dân Việt Nam đối với các hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Theo AmCham Việt Nam, chi phí chăm sóc sức khỏe trung bình đầu người dự kiến tại Việt Nam sẽ tăng thêm 9,2% mỗi năm trong giai đoạn 2009-2025. Đồng thời, do tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa, người dân Việt Nam có nhu cầu ngày càng cao về các dịch vụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Các bệnh viện tại Việt Nam, bao gồm bệnh viện công và tư, đang tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất và mở rộng các khoa chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu điều trị đa dạng hơn. Hiện nay, các bệnh viện công vẫn chiếm ưu thế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, chiếm 86% tổng số bệnh viện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành y tế - chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức. Các bệnh viện phần lớn đã lỗi thời và gặp tình trạng quá tải. Các bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM phải tiếp nhận đến 60% số bệnh nhân của cả nước và hoạt động vượt công suất 200%. Ngoài ra, trang thiết bị y tế đã cũ và cần được thay thế, thậm chí nhiều bệnh viện vẫn thiếu trang thiết bị cho khoa phẫu thuật và hồi sức cấp cứu.
Các bệnh viện công phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và mặc dù tổng ngân sách cho ngành y tế đã tăng, vẫn còn nhiều hạn chế so với nhu cầu thực tế. Đồng thời, các bệnh viện tư chưa thực sự có sự "tin tưởng" từ phía người dân, khi người dân thường chọn các bệnh viện tuyến trung ương khi cần chăm sóc sức khỏe hoặc khám chữa bệnh.
Tình trạng thiếu nhân viên y tế có trình độ cũng phổ biến ở nhiều bệnh viện. Quy trình vận hành và quản lý còn nhiều yếu kém, dẫn đến tình trạng mất thời gian, tăng chi phí và thời gian chờ đợi dài tại các bệnh viện. Bệnh nhân chưa có được trải nghiệm tốt nhất trong quá trình khám chữa bệnh.
Tất cả những thách thức này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các bệnh viện, trung tâm sức khỏe và các cơ sở y tế khác tại Việt Nam, nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
2. Thực trạng
Phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Chi tiêu cho lĩnh vực này dự kiến tăng từ 15,6 tỷ USD đến 42,8 tỷ USD trong 10 năm (2018-2028).
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong ngành y tế, chăm sóc sức khỏe (Healthcare). Bên cạnh những yếu tố đã nêu ở trên, người Việt bỏ ra trung bình 7 tiếng/ngày để tham gia các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đã được đưa ra để phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin và truyền thông khiến truy cập Internet tăng vọt. Tỷ lệ thâm nhập của Internet là 73,2% (2022) – theo số liệu Báo cáo Digital 2022 thực hiện.
Công nghệ thông tin di động cũng đang được phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Mạng 4G phủ rộng hơn 95% hộ gia đình, và tới đây là sự phủ rộng mạnh mẽ của mạng 5G. Các cơ sở hạ tầng công nghệ dần chuyển dịch sang hướng dịch vụ trên cloud, mang tới cơ hội cho nhiều giải pháp sáng tạo với chi phí phù hợp với nhiều đơn vị chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
2.1 Tốc độ tăng trưởng mạnh
Theo thống kê năm 2018, tổng doanh thu các sản phẩm tại thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam vào khoảng 17,4 tỷ USD và dự báo thị trường y tế – chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số. Tốc độ tăng trưởng luỹ kế đến năm 2021 sẽ duy trì ở mức 12,5%. Mức chi cho dịch vụ y tế – chăm sóc sức khỏe trung bình đầu người cũng tăng khoảng 2 – 3 lần trong vòng 10 năm, giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2027.
2.2 Các cơ sở y tế tuyến trung ương chưa được phân bố đồng đều
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, từ đó dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại các vùng miền cũng tăng theo. Tuy nhiên, các bệnh viện chuyên khoa lại tập trung nhiều ở những thành phố kinh tế thay vì các tỉnh, gây ra nhiều trở ngại trong việc đi lại cho bệnh nhân không cư trú trong thành phố. Điều này đặc biệt còn gây ra rất nhiều khó khăn cho các bệnh nhân không thể di chuyển vì điều kiện bệnh lý.
2.3 Số lượng y, bác sĩ còn thấp
Tỷ lệ y, bác sĩ trên một vạn dân ở Việt Nam là 8,6 tính tới năm 2018, thấp hơn từ 4 – 9 lần so với các nước phát triển. Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe với chất lượng mà bệnh nhân mong muốn còn khá nhiều hạn chế.
2.4 Trình độ khám chữa bệnh còn chênh lệch
Sự chênh lệch về trình độ chuyên môn giữa các bác sĩ tuyến trung ương và tuyến tỉnh khiến người bệnh có xu hướng phải tìm đến các trung tâm y tế lớn để khám chữa bệnh. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải cho toàn bộ hệ thống y tế tuyến đầu do phần lớn các bệnh viện thường tập trung tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế.
3. Giải pháp
3.1 Chuyển đổi số y tế với hệ thống chăm sóc sức khỏe
COVID-19 đã tác động mạnh mẽ, thay đổi hoàn toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm hoạt động phục vụ cho bệnh nhân. Đại dịch cũng mở ra quá trình chuyển đổi số trong y tế lâu dài, tiêu biểu là hệ thống chăm sóc sức khỏe với mục tiêu cuối cùng vẫn là “lấy bệnh nhân làm trung tâm”.
Lợi ích của hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử
Các phần mềm hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử ra đời nhằm mục đích đảm bảo mỗi công dân đều được truy cập thông tin y tế bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào . Đây là một cơ hội tuyệt vời để hỗ trợ chăm sóc cá nhân, giúp người dân đưa ra quyết định, nâng cao chất lượng và an toàn của dịch vụ thăm khám sức khỏe, giảm thiểu sự lãng phí và không hiệu quả trong quy trình chăm sóc sức khỏe đồng thời cải thiện tính liên tục và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Cụ thể:
- Hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử giúp chia sẻ dữ liệu tốt hơn
Khi mọi thông tin đều được cập nhật và lưu trữ trên một nền tảng duy nhất, người dùng có thể dễ dàng tra cứu và chia sẻ dữ liệu liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Không những thế, trong thời kỳ đại dịch, người dân có thể kê khai thông tin y tế tại nhà giúp các cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi và nắm bắt thông tin dịch tễ.
- Truy cập dễ dàng
Người dân có quyền truy cập vào các thông tin tóm tắt về lịch sử bệnh tật, thuốc men, kết quả xét nghiệm đồng thời cung cấp thông tin quan trọng để đưa ra quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của họ. Các hồ sơ sức khỏe luôn có sẵn trên phạm vi toàn quốc và người bệnh có thể cho phép các chuyên gia y tế trên cả nước truy cập vào hồ sơ bệnh án của họ. Ngoài ra, người dân có quyền truy cập vào một loạt các nguồn thông tin y tế chuẩn xác, nơi có thể cập nhật những diễn biến toàn cầu, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
- Hướng tới trải nghiệm chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa hơn
Khi hồ sơ bệnh án và các thông tin cá nhân của người bệnh được lưu trữ trên một nền tảng duy nhất, các bác sĩ sẽ không mất thời gian để tìm hiểu và chẩn đoán. Ngoài ra, các công cụ y tế kỹ thuật số cho phép các bác sĩ, y tá điều trị cho bệnh nhân từ khoảng cách an toàn mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của việc khám chữa bệnh.
- Xu hướng công nghệ định hình các nền tảng chăm sóc sức khỏe điện tử
Theo Bain Telemedicine, các nền tảng y tế kỹ thuật số ở Indonesia, Singapore và Australia đã tăng cường hoạt động do các biện pháp giãn cách xã hội của các quốc gia. Các chương trình chuyển đổi số y tế với các công cụ hiện đại đã phần nào nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong khi vẫn giữ an toàn khi bệnh nhân và bác sĩ tương tác.
- Theo dõi bệnh nhân từ xa tốt hơn với hệ thống RPM
Nếu có nhiều người đăng ký khám bệnh từ xa, các bác sĩ sẽ cần một phương pháp hiệu quả để thu thập các triệu chứng bệnh quan trọng. Do đó dịch vụ theo dõi bệnh nhân từ xa (RPM) xuất hiện. Tất cả các thiết bị đo huyết áp được kết nối internet, máy đo đường huyết, nhiệt kế IoT, cảm biến oxy trong máu trong các thiết bị đeo tay và các thiết bị theo dõi giấc ngủ đều có thể cung cấp dữ liệu cho RPM.
Các công cụ RPM cho phép các bác sĩ và y tá theo dõi dữ liệu bệnh nhân theo thời gian thực. Với hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử phát triển và hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs), thì việc quản lý dữ liệu bệnh nhân trở nên quan trọng hơn trong tương lai.
- Cải thiện kết nối Wifi và mạng di động
Vào năm 2022, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ sử dụng các thiết bị không dây để kết nối mọi thứ, từ việc theo dõi bệnh nhân đến liên lạc và hệ thống an ninh. Cải thiện kết nối Wifi và mạng không dây sẽ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu này.
Wifi và mạng không dây phải hoạt động mọi lúc, mọi nơi, đó là lý do tại sao nhiều cơ sở hay tổ chức y tế hiện đang dựa vào nền tảng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo nhằm giám sát mạng, cung cấp khả năng hiển thị theo thời gian thực và tự động cảnh báo cho hệ thống quản lý thông tin bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra. Với hàng ngàn thiết bị được kết nối, hệ thống mạng tạo ra nhiều dữ liệu hơn để người dùng có thể phân tích trong thời gian thực. Cải thiện kết nối Wifi và mạng di động cũng được xem là một mục tiêu khi các quốc gia tiến hành chuyển đổi số y tế.
- Vận hành máy học và trí tuệ nhân tạo
Hand pointing at glowing digital brain. Artificial intelligence and future concept. 3D Rendering
Art Papier, đồng sáng lập công ty công nghệ VisualDx cho biết, năm 2020 thực sự đánh dấu một bước ngoặt của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chăm sóc sức khỏe. Xu hướng này xuất hiện dưới dạng các chatbot cơ bản và máy sàng lọc triệu chứng trong những giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Papier cho biết, những công cụ này đã nâng cao vai trò quan trọng của AI, giúp thúc đẩy việc áp dụng AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chuyển đổi số y tế năm 2022.
Các công cụ trí tuệ nhân tạo giúp hợp lý hóa việc chăm sóc từ xa và mở rộng các dịch vụ theo yêu cầu. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo cũng có thể hỗ trợ người dân trong quá trình đăng ký bảo hiểm y tế. Công nghệ học máy (machine learning) đã có tác động to lớn đến chăm sóc sức khỏe trong năm 2020 và xu hướng đó được dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2022 bằng cách cung cấp nhiều công cụ hơn để điều trị người bệnh thông qua y tế từ xa.
- Sử dụng công nghệ để chăm sóc sức khỏe tâm thần
Đại dịch COVID-19 cho thấy việc sử dụng công nghệ có thể giúp mọi người đối phó với căng thẳng và lo lắng. Do đó, các ứng dụng trị liệu kỹ thuật số được phát triển để giải quyết những phản ứng cảm xúc, tình trạng căng thẳng, lo lắng hoặc rối loạn sau chấn thương.
Trong vòng 5 năm tới, phần lớn các trường học tại các quốc gia phát triển sẽ sử dụng các giải pháp sức khỏe kỹ thuật số như một phần của hệ sinh thái. Họ đánh giá cao khả năng tiếp cận kỹ thuật số đối với vấn đề sức khỏe, trong khi học sinh yêu thích sự riêng tư, tiện lợi và cá nhân hóa.
3.2 Chuyển đổi số y tế với kê đơn thuốc điện tử
Đơn thuốc điện tử cũng là một trong những chiến lược của kế hoạch chuyển đổi số y tế. Kê đơn thuốc điện tử sẽ khắc phục tình trạng tái bán các loại thuốc men chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và thuốc kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, với hệ thống kê đơn thuốc điện tử, đơn vị quản lý có thể thống kê, tổng hợp và phân tích việc kê đơn nhằm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong trường hợp vi phạm.
Không những thế, trên cơ sở dữ liệu của kho đơn thuốc điện tử có thể tạo ra báo cáo đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của người dân cũng như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, đưa tới dự báo tình trạng, xu hướng bệnh tật, nhu cầu sử dụng thuốc của người dân trong hệ thống khám chữa bệnh.
Lợi ích của đơn thuốc điện tử
- Cung cấp sự lựa chọn tốt hơn cho bệnh nhân.
- Việc kê đơn và cấp phát thuốc trở nên hiệu quả hơn.
- Có thể giảm thiểu các lỗi kê đơn.
- Loại bỏ nhu cầu xử lý và lưu trữ đơn thuốc giấy.
- Hỗ trợ các dịch vụ y tế kỹ thuật số như hệ thống theo dõi sức khỏe từ xa để đảm bảo việc chăm sóc bệnh nhân được diễn ra liên tục.
- Đảm bảo sự riêng tư của bệnh nhân và tính toàn vẹn của thông tin cá nhân.
Cách nhận đơn thuốc điện tử
- Trong quá trình tư vấn, bác sĩ sẽ gửi đơn thuốc điện tử cho bạn dưới dạng SMS hoặc email.
- Sau đó, bạn sẽ mang đơn thuốc đó đến hiệu thuốc và lấy thuốc theo đơn đã được kê.
3.3 Chuyển đổi số y tế bằng cách khám bệnh từ xa
Dịch vụ y tế từ xa là dịch vụ y tế được cung cấp bằng phương pháp tương tác qua hệ thống âm thanh và hình ảnh điện tử giữa những bệnh nhân và bệnh viện không ở cùng một địa điểm.
Dịch vụ này bao gồm việc tư vấn, khám bệnh từ xa, chỉ định cận lâm sàng, kê đơn thuốc điện tử, cung cấp tài liệu hướng dẫn bệnh nhân…
Lợi ích của việc sử dụng hệ thống khám bệnh từ xa- Tiết kiệm thời gian
Nếu lựa chọn dịch vụ này, người bệnh sẽ không phải nghỉ làm cả buổi để khám bệnh, không cần lãng phí thời gian di chuyển, không phải ngồi trong phòng chờ đợi lâu.
- Tiết kiệm chi phí
Khi đăng ký khám bệnh từ xa, bạn sẽ chỉ cần ngồi ở nhà và được tư vấn, khám chữa, chẩn đoán cận lâm sàng, bạn sẽ không mất chi phí đi lại, ăn uống hay thậm chí ngủ nghỉ như khi khám bệnh trực tiếp tại các bệnh viện tuyến trung ương.
- Phương pháp tối ưu nhất trong thời kỳ đại dịch
Việc khám bệnh từ xa giúp bạn giảm bớt nguy cơ bị mắc COVID-19 từ các bệnh nhân cùng xếp hàng thăm khám tại các bệnh viện. Đồng thời, những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như ho khan và sốt (hay mệt mỏi, khó thở hoặc mất cảm giác mùi vị) có thể được thăm khám nhanh qua video với bác sĩ mà không cần đến bệnh viện.