Top 7 Loại Thanh Long Phổ Biến Nhất Hiện Nay
Thanh long là một loại trái cây nổi tiếng ở Bình Thuận - Việt Nam. Bài viết này 1shop.vn sẽ cùng bạn khám phá 7 loại thanh long khác nhau mà có thể bạn chưa biết.
Thanh long là trái gì?
Thanh long là một loại trái cây nhiệt đới, có xuất xứ từ Trung Mỹ và miền nam Mexico. Quả mọc trên cây xương rồng Hylocereus. Thanh long nghĩa là rồng xanh chắc nhiều người đã biết, nhưng tại sao thanh long được gọi là thanh long, thực tế rất đơn giản. Vì những cây (dây) thanh long khi phát triển như rồng đu quanh cột đình. Và nó có màu xanh mượt, nên được gọi là thanh long.
Thanh long có nhiều loại khác nhau, với vỏ mỏng và màu sắc đa dạng như đỏ, tím, vàng hoặc trắng. Thanh long có vị ngọt, hơi chua, chứa nhiều vitamin C, vitamin B, kali, canxi và sắt, cùng với chất chống oxy hóa...
Top 7 loại thanh long phổ biến nhất hiện nay
Thanh long có nhiều loại với màu sắc nổi bật như:
Thanh long ruột đỏ
Thanh long ruột đỏ ( thanh long ruột hồng) là loại thanh long mà khi bạn cắt đôi trái phần thịt bên trong có màu đỏ hồng nổi bật, đó cũng chính là lý do nó có tên gọi như vậy. Đây là loại cây ưa sáng và chịu hạn tốt, thường được trồng ở những nơi thoáng mát và nhiều ánh nắng.
Mùa chính của thanh long ruột đỏ là vào mùa hè hoặc mùa thu. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, người ta đã có thể điều chỉnh cho cây ra trái quanh năm theo ý muốn.
Thanh long đột biến
Có quả non màu vàng nhạt hoặc vàng xanh, quả sẽ chuyển sang màu vàng tươi rực rỡ khi chín. Quả có thể nặng đến 1,5 kg và được bán với giá cao gấp 5 lần so với các loại thanh long thông thường.
Thanh long đột biến có cành và quả đều có màu vàng. Trái bám vào cây sau khi chín hàng tháng mà không bị hư hỏng như một số giống khác. Có hương vị ngọt và thơm hơn thanh long thường, nhờ màu sắc nổi bật nên nó có thể dùng để chưng vào ngày Tết.
Thanh long ruột trắng
Với lớp vỏ ngoài màu hồng hoặc đỏ và phần thịt quả có màu trắng, thanh long ruột trắng cũng là là một loại cây ưa sáng.
Thanh long ruột trắng chứa lượng đường khoảng 10%, so với thanh long ruột đỏ thì nó không ngọt bằng. Loại trái này có vị ngọt mát, có hàm lượng nước cao. Bạn có thể ăn thanh long ruột trắng để hỗ trợ quá trình giảm cân, giúp làm đẹp da, và có lợi cho hệ tim mạch. Đồng thời, không chỉ quả mà hoa thanh long và thân cây thanh long này cũng có thể sử dụng nếu chế biến đúng cách.
Thanh long vàng Thái Lan
Giống cây này được canh tác thành công tại Tiền Giang, thanh long vàng Thái Lan là giống cây mới với nhiều ưu điểm như sinh trưởng mạnh, chịu hạn, chịu mặn và phèn tốt.
Quả có vỏ màu vàng bắt mắt, ruột trắng hơi trong, có độ dai nhẹ và vị ngọt thanh cùng hương thơm đặc trưng. Loại quả này chứa nhiều hạt và rất phù hợp để trồng ở nơi có điều kiện đất đai khắc nghiệt.
Thanh long tím hồng
Thanh long tím hồng là kết quả của việc lai tạo giữa thanh long ruột đỏ và ruột trắng, thanh long tím hồng sở hữu những đặc điểm nổi bật như khả năng thụ phấn và ra hoa vượt trội. Cây có cành to, hình dáng quả nhìn giống như hình trứng hoặc thuôn dài, thịt quả màu tím hồng rực rỡ. Loại cây này dễ canh tác và cho ra trái chất lượng cao, tuy nhiên cần cẩn thận để không nhầm lẫn với thanh long ruột đỏ.
Thanh long vàng Ecuador
Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thanh long vàng Ecuador nổi bật với vỏ màu vàng, hình dáng hơi tròn và có gai. Phần ruột quả thanh long cũng có màu trắng và nhiều hạt, vị ngọt dịu giống như măng cụt.
Thanh long vàng Ecuador dễ trồng, ít bị sâu bệnh và thích nghi tốt với nhiều loại đất, nhất là đất cát. Nó cũng là giống hiện có giá trị cao hơn so với các giống thanh long khác.
Thanh long da xanh ruột trắng
Là giống cây bản địa của Việt Nam. Thanh long da xanh ruột trắng khi nở hoa và tạo trái thì nó luôn giữ màu xanh, trong khi ruột bên trong lại có màu trắng.
Trái chín có thể dễ dàng nhận biết qua kích thước và độ căng bóng của vỏ. Đặc biệt, khi đã chín, trái có thể neo trên cây rất lâu, giúp việc thu hoạch trở nên thuận tiện hơn.
Gợi ý cách bảo quản thanh long
Bảo quản thanh long tươi lâu vừa giúp giữ được hương vị vừa giúp bảo toàn dưỡng chất của nó.
Bảo quản bằng phương pháp làm lạnh
Phương pháp đơn giản để giữ thanh long lâu hơn là bảo quản trong các kho mát với nhiệt độ từ 20 - 24°C. Bạn cũng có thể lưu trữ tại nhà bằng cách đặt thanh long vào ngăn mát tủ lạnh, tuy nhiên, do thanh long mềm nên bạn nên để riêng 1 góc và không để thực phẩm khác đè lên để tránh hư hỏng.
Bảo quản theo cách này này, thanh long có thể giữ được độ tươi từ 8 đến 10 ngày. Lưu ý, không nên bảo quản thanh long ở nhiệt độ dưới 5°C, vì nó có thể làm hư hỏng.
Bảo quản bằng ozon và chlorine
Phương pháp này sử dụng nước ozon để rửa sạch quả thanh long, sau đó hong khô và đóng gói. Khi bảo quản ở nhiệt độ thoáng mát, thanh long có thể giữ tươi từ 40 - 45 ngày.
Nếu kết hợp với lưu trữ lạnh, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 75 ngày.
Với hóa chất chlorine, ngâm thanh long trong dung dịch chlorine 200ppm trong 3 phút giúp ngừa vi khuẩn và giúp bảo quản được lâu hơn.
Lưu ý: Các phương pháp sử dụng thuốc kích thích, điều chỉnh không khí và hóa chất ozon, chlorine thường áp dụng cho các cơ sở kinh doanh và xuất khẩu, yêu cầu kỹ thuật và cơ sở vật chất chuyên biệt.
Bảo quản thanh long ở nhiệt độ thường
Để giữ thanh long tươi lâu ở nhiệt độ thường, thì bạn chỉ cần đặt chúng ở nơi thoáng mát, khô ráo và không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thường thì thanh long có thể được bảo quản từ 5 đến 7 ngày.
Bảo quản bằng cách điều chỉnh thành phần không khí
Cách làm này sẽ cần tăng nồng độ khí CO2 và giảm nồng độ O2 xung quanh quảthanh long, điều này sẽ giảm cường độ hô hấp và chậm quá trình chín, giúp bảo quản lâu hơn.
Bạn có thể dùng túi polyetylen, rồi đục 20 - 30 lỗ thoáng khí nhỏ, bọc quả thanh long và hàn kín lại. Lưu trữ ở nhiệt độ 5°C, thanh long có thể bảo quản được khoảng 1 tháng.
Bảo quản bằng cách sử dụng thuốc kích thích
Phương pháp này giúp kéo dài thời gian bảo quản thanh long từ 10 đến 20 ngày. Sử dụng 2g chế phẩm acid gibberellic pha trong bình xịt 12 lít và xịt đều lên quả thanh long khoảng 1 - 3 ngày trước khi thu hái. Phương pháp này giúp cuống và tai quả xanh lâu hơn, giữ độ tươi tốt hơn.