(Trò chơi học tập) Trò chơi học tập
Trí Uẩn là gì?
Trí Uẩn, hiểu đơn giản là một trò chơi để rèn luyện trí tưởng tượng và sáng tạo của con người. Từ những miếng ghép cố định được thiết kế theo những tiêu chuẩn giản đơn hết mức, người chơi có thể suy nghĩ và tưởng tượng, để ghép thành nhiều hình khác nhau. Một trái tim nhưng có thể ghép theo 28 cách khác nhau, một quả tạ có thể lên tới 88 cách ghép. Và Trí Uẩn có sức gợi mở lớn là không có bất cứ giới hạn nào với người chơi, miễn là có đủ tư duy logic và có sự sáng tạo. Thế nên, những hình mới được tạo nên từ 7 miếng ghép là không ngừng. Mỗi người có thể tự sáng tạo cho mình những cách ghép hình khác nhau, tạo cho mình những hình mới.
Hoàn cảnh ra đời của trò chơi?
Ông Nguyễn Chiến Thắng, người con cả của nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn đã kể khá chi tiết về xuất xứ của trò chơi Trí Uẩn. Tháng 5/1940, Nguyễn Trí Uẩn bị Pháp bắt đi an trí ở Thanh Ba, Phú Thọ. Và được sự đồng ý của đồng chí Lương Khánh Thiện, lãnh đạo Xứ ủy của Đảng lúc bấy giờ, ông đã trốn về Hà Nội hoạt động bí mật. Lúc này địch khủng bố trắng, mật thám nhan nhản khắp nơi lùng sục. Vì thế rất nhiều ngày không thể ló mặt ra ngoài, Nguyễn Trí Uẩn phải ẩn náu trên gác bếp 42 phố Huế - Hà Nội. Trong lúc buồn bực, tù túng, ông tìm cách giải trí bằng cách cắt các miếng bìa ra để chắp hình. Sau nhiều phương án tác giả đã tìm ra cách cắt 7 quân từ 1 hình chữ nhật có chiều 8cm x 10cm. Từ 7 quân có cấu trúc hình học rất hợp lý, tác giả nhanh chóng sáng tác ra nhiều hình rất đẹp, rất giống và trở thành một hình thức giải trí rất tốt.
Trò chơi Trí Uẩn
Bảy miếng nghìn hình là một trò chơi giải trí đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ chỉ dùng bảy miếng gỗ (hoặc miếng bìa cứng) mà có thể chắp ra tới hàng trăm, hàng nghìn hình rất lạ. Trong những năm 1940 đến năm 1943, từ Sài-gòn đến Hà Nội, nhiều người đã quen thuộc với tên cũ của nó là Ê-vơ-rơ-tô (Evereto) (kể cả những người nước ngoài sống trên đất nước ta).
Từ ngày hoà bình lập lại - tác giả, bạn Trí Uẩn đã sáng tác thêm nhiều hình mới - trò chơi này được in lại và được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga…