Những chất dinh dưỡng có trong quả thanh long
Thanh long chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là Vitamin, ít năng lượng, nhiều chất xơ. Ăn thanh long có tác dụng chống lão hóa, làm đẹp da và tóc, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
1. Thành phần chất dinh dưỡng trong quả thành long
Dinh dưỡng cơ bản có trong 100g quả thanh long
- Năng lượng: 50Kcal
- Chất đạm: 0,159- 0,229 g
- Tổng số chất béo: 0,21- 0,61 g
- Chất xơ: 0,7- 0,9 g
Các loại Vitamin có trong 100g quả thanh long
- Vitamin B1: 0,28 – 0,043 mg
- Vitamin B2: 0,043 – 0,045 mg
- Vitamin B3: 0,287 – 0,43 mg
- Vitamin C: 8,0 – 9,0 mg
Các khoáng chất có trong 100g quả thanh long
- Canxi 6,3 – 8,8 mg
- Sắt: 0,55 – 0,65 mg
- Photpho: 30,2 – 36,1 mg
- Carotene: 0,005 – 0,012 mg
2. Ăn thanh long có tốt không? Ăn thanh long có tác dụng gì?
Hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da
Thanh long có lượng calo khiêm tốn, tương đương với quả kiwi, mang khoảng 50 calo mỗi 100 g. Nhờ vậy, nó giúp no nhanh, hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Thanh long còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, khoáng chất, vitamin và chất xơ. Vì vậy giúp làm đẹp da, giúp da sáng mịn, khỏe mạnh. (Xem thêm những loại quả tốt cho da và những loại quả chống lão hóa)
Tốt cho hệ tiêu hóa
Hạt thanh long mang hợp chất chống oxy hóa phyto albumin. Phyto Albumin được cho là cải thiện sự thèm ăn, hoạt động như thuốc nhuận tràng và tốt cho sức khỏe của da và tóc.
Chống oxy hóa, tăng sức đề kháng
Thanh long chứa nhiều vitamin C giúp chống oxy hóa; nó cung cấp khoảng 8-9 mg mỗi 100 g hoặc khoảng 12-15% DRI (lượng khuyến cáo hàng ngày). Không chỉ vậy, vitamin C giúp cơ thể phát triển sức đề kháng để chống lại các tác nhân truyền nhiễm và làm sạch các gốc tự do có hại, phòng tránh ung thu.
Trong thanh long thịt đỏ chứa hàm lượng vitamin A và caroten rất tốt cho sức khỏe. Những hợp chất này đã được biết là có đặc tính chống oxy hóa và rất cần thiết cho thị lực. Vitamin A cũng cần thiết để duy trì niêm mạc và da khỏe mạnh.
3. Người nào không được ăn thanh long?
Người bị tiêu chảy
Bị tiêu chảy không nên ăn thanh long vì quả có tính lạnh. Người có thể chất hư hàn, thường bị tiêu chảy, chân tay mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt thì không nên ăn nhiều thanh long.
Người đang trong kỳ kinh nguyệt
Thanh long tính hàn, không phù hợp để ăn trong kỳ kinh nguyệt – thời điểm bạn nên ăn đồ chín nóng. Vì vậy nếu đang trong kỳ “đèn đỏ” thì không nên ăn thanh long để tránh làm tình trạng kinh nguyệt kéo dài “nặng nề” hơn hoặc gây đau bụng kinh.
Phụ nữ mang thai
Đang mang bầu, chị em nên cẩn trọng khi ăn thanh long, bởi lượng protein thực vật lớn trong thanh long rất dễ làm chị em bị dị ứng. Nên nếu cơ thể khi mang thai mẫn cảm hơn thông thường hoặc bạn có tiền sử bị dị ứng thì không nên hoặc hạn chế dùng thanh long nhé.
Người bị tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều thanh long. Thanh long có chứa nhiều đường glucose, người bệnh tiểu đường nếu sử dụng nhiều thanh long sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao.
4. Một số món ngon từ thanh long
Nước ép vỏ thanh long đỏ
Nguyên liệu:
- Vỏ của một quả thanh long đỏ
- 250g nước lọc
- 10g sữa đặc
Cách làm:
- Bỏ hết vẩy và phần vỏ trơn láng bên ngoài. Phần ruột để ăn, còn phần vỏ bên trong sử dụng ép nước.
- Vỏ thái hạt lựu nhỏ, cho vào máy xay sinh tố, thêm nước và sữa đặc, xay nhuyễn. Vậy là, bạn đã có một cốc nước ép thanh long vừa ngon vừa đẹp mắt.
Sinh tố sữa chua trộn thanh long
Nguyên liệu:
- 1 quả thanh long
- 250g sữa chua
- 1 lượng mật ong vừa đủ
Cách làm:
- Thanh long đỏ rửa sạch, lấy ruột thanh long thái miếng nhỏ cho vào máy xay sinh tố, sau đó cho sữa chua vào đánh nhuyễn.
- Cho hỗn hợp ra cốc và thêm một lượng mật ong vừa đủ (tùy theo khẩu vị từng người).
Rượu thanh long
Nguyên liệu:
- 600g thịt quả thanh long ruột đỏ
- 250g đường phèn
- 600 ml rượu
- Bình ủ rượu (bạn có thể chọn bình thủy tinh hoặc bình sành)
Cách làm:
- Rửa sạch thanh long và thái thành các miếng nhỏ.
- Cho hết 600g thanh long vào trong bình ủ theo công thức cứ một lớp thanh long bạn lại phủ lên một lớp đường phèn mỏng.
- Đổ rượu vào bình ủ và đậy kín nút.
- Để bình ủ ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Sau 3 tháng, nếu bạn ngửi thấy rượu dần tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ, hãy mang rượu đi lọc bỏ xác thanh long và đổ lại vào bình ủ.
- Mỗi khi uống, hãy múc lượng rượu vừa đủ ra ly, cho thêm một ít đá vào và lắc đều trước khi dùng.
Lưu ý: Những người thuộc nhóm sau tuyệt đối không nên uống rượu thanh long: người bị bệnh tiểu đường, phụ nữ đang mang thai và cho con bú, trẻ em. Việc uống rượu này có thể gây ra một số nguy cơ sức khỏe đáng ngại. Ngoài ra, tránh tuyệt đối lạm dụng rượu thanh long, bạn chỉ nên uống khoảng 40–50 ml mỗi ngày.
Kem thanh long
Nguyên liệu:
- 2 quả thanh long ruột đỏ chín và ngọt (bạn cũng có thể thay thế bằng thanh long ruột trắng nếu muốn)
- Nước cốt 1 trái chanh tươi
- 20g đường trắng
- 100 ml sữa đặc có đường
- 150ml sữa tươi
- 200 ml kem tươi (nếu muốn kem xốp mịn)
- Máy xay sinh tố, rây để lọc, máy đánh trứng, khuôn làm kem
Cách làm:
- Rửa sạch thanh long, gọt bỏ phần vỏ và thái hạt lựu 2 quả thanh long.
- Cho thanh long vào trộn cùng với đường trắng, nước cốt chanh trong một cái tô lớn. Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miệng tô và để vào ngăn mát tủ lạnh trong vòng 30 phút.
- Lấy hỗn hợp ra khỏi ngăn mát và cho vào máy xay sinh tố và bắt đầu xay cho đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn. Bạn nên lọc qua rây vài lần để hỗn hợp mịn hoàn toàn bởi vì điều này sẽ giúp kem xốp hơn, tránh bị lợn cợn.
- Sau khi lọc kỹ, cho hỗn hợp vào một tô lớn, cho thêm vào phần sữa đặc, sữa tươi và kem sữa đã chuẩn bị sẵn. Dùng máy đánh trứng đánh bông hỗn hợp lên, lưu ý trong khi đánh, bạn phải đánh theo một chiều nhất định và tăng dần tốc độ để đảm bảo tất cả nguyên liệu hoàn toàn quyện vào nhau.
- Cho hỗn hợp kem vừa đánh nhuyễn mịn vào hộp đựng hoặc khuôn kem que, đậy kín nắp và cho vào ngăn đông tủ lạnh. Lưu ý cứ mỗi 30 phút bạn nên lấy kem ra và trộn đều tay. Sau đó lại tiếp tục cho vào ngăn đông tủ lạnh. Hãy thực hiện công đoạn này liên tiếp 6–7 lần cho đến khi bạn thấy kem dần trở nên xốp mịn.
- Mỗi khi thưởng thức, bạn hãy dùng một cái muôi lớn hoặc dụng cụ múc kem để nạo từng viên kem tròn ra cho vào đĩa hoặc ly. Tùy theo sở thích, bạn có thể rắc lên kem sợi dừa tươi, đậu phộng hoặc hạnh nhân đập nhuyễn, bánh ốc quế. Ngoài ra, hãy rưới lên kem một ít siro thanh long hoặc chocolate nếu muốn nhé.
Salad vỏ thanh long đỏ
Nguyên liệu:
- Vỏ 2 quả thanh long đỏ
- ½ quả ớt chuông
- Lượng muối, bột nêm vừa đủ
- Một chút dầu mè
Cách làm:
- Thanh long bỏ hết vảy và phần trơn láng bên ngoài.
- Bổ thanh long đỏ, ruột để ăn, phần vỏ giữ làm salad.
- Vỏ thanh long đỏ thái sợi vừa ăn, ớt chuông cũng thái sợi, trộn đều cùng với muối và hạt nêm (tùy từng khẩu vị gia đình nêm cho vừa ăn).
Chè thanh long
Nguyên liệu:
- 1 quả thanh long trắng
- 1 quả thanh long tím
- 200g đường cát trắng
- 600ml nước
- 200g dừa khô nạo sẵn
- 50ml kem sữa tươi
- 1 ống va-ni
- Đá đập nhuyễn
Cách làm:
- Thanh long rửa sạch, lột vỏ, dùng muỗng múc dưa múc thành từng viên tròn Dừa khô, vắt lấy nước cốt, pha chung với 30ml kem sữa tươi, khuấy đều, cho vào tủ lạnh, ngăn mát.
- Kem sữa tươi, đánh nổi cứng, cho vào bao nylon bắt bông kem, bảo quản lạnh. Đun sôi nước, cho đường vào nấu tan đường, va-ni, quậy đều, để nguội.
- Xếp khoảng 6 viên thanh long ( 2 màu) vào chén, chan nước đường, đá đập nhuyễn, nước dừa sữa, bắt 1 hoa bằng kem sữa trang trí lên trên.
5. Một số vấn đề nhiều người quan tâm về thanh long
Ăn thanh long có béo không?
Theo nghiên cứu, trong 100g thanh long chỉ chứa 50kcal còn lại là nước, vitamin C, canxi và rất nhiều khoáng chất khác. Đây chính là loại quả vô cùng thích hợp trong thực đơn giảm cân của nhiều chị em. Vừa không có chất béo, vừa bổ sung nước cho cơ thể.
Bà bầu có ăn được thanh long không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thanh long chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho cả mẹ bầu và thai nhi. Thanh long là một loại trái cây lành tính, có giá thành “thân thiện”.
Thanh long có vị chua ngọt nhẹ nhàng, là loại trái cây thanh nhiệt cho mẹ bầu trong những ngày nóng nực. Loại trái cây này được khuyên dùng cho mẹ bầu trong suốt quá trình mang thai.
Tuy nhiên, bà bầu nên tránh ăn thanh long trong những trường hợp sau:
- Có nguy cơ tiểu đường cao hoặc bị tiểu đường thai kỳ.
- Dễ dị ứng với đạm thực vật vì thanh long giàu đạm thực vật.
- Bà bầu dễ bị đau bụng hoặc đang bị tiêu chảy.
- Bà bầu đang trong tình trạng ho đờm, stress nặng, mệt mỏi chân tay.
Trong thực tế, giá trị dinh dưỡng của thanh long đỏ là cao hơn nên thanh long đỏ tốt hơn thanh long trắng.
Cụ thể, thanh long đỏ chứa nhiều caroten hơn. Đây là chất chống oxy hóa hiệu quả nhất giúp chống lại các gốc tự do, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tiếp theo, thanh long đỏ có chứa nhiều vitamin C. Nó không chỉ có tác dụng tăng vẻ đẹp của cơ thể mà còn khiến người ăn kiêng kéo dài cảm giác no, không gây đói nên giảm cân hiệu quả.
Thanh long đỏ có chứa nhiều anthocyanin hơn. Đây là chất chống oxy hóa mạnh, ngăn ngừa đột quỵ do các cơn đau tim và cục máu đông. Hơn nữa, nó cũng loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, chống lại sự lão hóa.
Như vậy, thanh long là loại trái cây chứa nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe. Bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như kem, chè, sinh tố… là món ăn thanh mát giải nhiệt mùa hè hiệu quả.