Châu Thị Tế | Nhân Vật Lịch Sử
Sáng ngày 01/7/2022, tại Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Vĩnh Long và Ủy ban nhân dân Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang long trọng tổ chức Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Châu Thị Tế (1766 – 1826).
Theo dòng lịch sử
Bà Châu Thị Tế sinh năm 1766, là con ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán, sinh quán trên cù lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Bà là vợ chánh thất của danh thần Thoại Ngọc Hầu, được vua ban phong là Nhàn Tĩnh phu nhân.
Kênh Vĩnh Tế là tuyến giao thông đường thủy quan trọng ở An Giang ngày nay (Ảnh: nld.com.vn)
Năm 1817, Thoại Ngọc Hầu là quan Trấn thủ Vĩnh Thanh, nhận lệnh vua Gia Long chuẩn bị việc đào một dòng kênh nối An Giang với Hà Tiên. Năm 1819, con kênh chính thức được khởi công, bà Châu Thị Tế đã hỗ trợ chồng trong việc đốc thúc quân binh, chăm lo mọi việc hậu cần để đẩy nhanh tiến độ. Năm 1824, con kênh cũng được hoàn thành. Vua nhà Nguyễn đã lấy tên Vĩnh Tế để đặt cho con kênh có vị trí chiến lược quan trọng với gần 100km nhưng được đào hoàn toàn bằng thủ công trong thời điểm lúc bấy giờ.
Nổi tiếng tảo tần, hiền thảo
Dòng Cổ Chiên mênh mang chảy giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre mà dồn sóng sông Tiền ra biển Đông, đến chỗ nhận thêm nước của nhánh sông Mang Thít chảy giữa 2 huyện Vũng Liêm, Mang Thít của tỉnh Vĩnh Long thì nổi lên giữa dòng một cù lao như hình con thoi. Cù lao này có tên gọi theo hình dạng là cù lao Dài hoặc gọi theo số lượng thôn làng xưa đã được lập trên dải đất nổi giữa dòng là cù lao Năm Thôn.
Quới Thiện là tên ngôi làng nằm ở đầu mạn Bắc của cù lao Dài - Năm Thôn. Thời Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được phái vào mở đất Nam Bộ, gia đình ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán cùng tìm đến Quới Thiện định cư, sinh sống. Đến năm 1766, họ sinh hạ con gái đầu lòng, đặt tên là Châu Thị Vĩnh Tế.
Trưởng nữ của gia đình họ Châu sinh ra và lớn lên vào thời đất mới được mở, công việc bộn bề tứ phía. Nhờ "đảm đang vốn sẵn tính trời", vừa xinh đẹp, nết na vừa giỏi chuyện làm ăn nên cô sớm nổi tiếng khắp vùng là người tảo tần, hiền thảo.
Danh nhân mở cõi
Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Bà Châu Thị Tế là tấm gương trung liệt của người phụ nữ luôn hết lòng vì chồng, vì nước, vì dân. Qua 5 lần đào kênh Vĩnh Tế với số lượng tham gia khoảng 80.200 người, trong đó có không ít phụ nữ do bà Châu Thị Tế vận động lo việc lấy củi, gánh nước, nấu cơm hoặc làm những việc nặng nhọc khác để đảm bảo công tác hậu cần."
Tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024)” Nguồn : AGO
Việc đào kênh hết sức gian khổ do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thú dữ, cường độ lao động rất cao, nhiều khi phải làm cả đêm... đã chứng tỏ công lao của bà và ông Thoại Ngọc Hầu hết sức to lớn. Kênh Vĩnh Tế thật sự là công trình thủ công vĩ đại, mang đến lợi ích hết sức to lớn, không những trong lĩnh vực kinh tế, mà còn ở lĩnh vực quốc phòng - an ninh, được lưu truyền qua nhiều thế hệ”.