Mối Quan Hệ Gắn Bó Giữa Các Chúa Trịnh Và Dòng Họ Đặng – Lương Xá, Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội
Nhân dịp CLB Tuổi Trẻ họ Đặng dòng Lương Xá, Chúc Sơn, mời Ban Thanh niên Trịnh tộc dự lễ niệm 2 năm thành lập, Ban Thanh niên Trịnh tộc Việt Nam đăng bài viết về mối quan hệ TRỊNH – ĐẶNG để bà con cùng biết về mối quan hệ đặc biệt giữa 02 dòng họ Đặng – Trịnh rất sâu sắc, thủy chung này.
Mối quan hệ Đặng – Trịnh
Nhân dịp CLB Tuổi Trẻ họ Đặng dòng Lương Xá, Chúc Sơn, mời Ban Thanh niên Trịnh tộc dự lễ niệm 2 năm thành lập, Ban Thanh niên Trịnh tộc Việt Nam đăng bài viết về mối quan hệ TRỊNH – ĐẶNG để bà con cùng biết về mối quan hệ đặc biệt giữa 02 dòng họ Đặng – Trịnh rất sâu sắc, thủy chung này.
Họ Đặng dòng Lương Xá, một dòng họ danh gia vọng tộc với nhiều đời, nhiều người làm Đại thần trải dài ở nhiều triều đại, nhưng lâu nhất và danh vọng nhất là thời Vua Lê – Chúa Trịnh. Dòng họ này có nhiều người làm Quận công, hầu, khanh, tướng… cho chúa Trịnh đến nỗi Nhà sử học Phan Huy Chú đã dùng lời đẹp đẽ khi viết về họ Đặng Lương Xá trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”: “Ở làng Lương Xá có nhà dòng dõi làm tướng, đời đời làm quan. Họ Đặng từ Nghĩa Quốc công Đặng Huấn là công thần thời Lê Trung Hưng… Về sau con cháu đời đời vẻ vang, được phong là quận công, được lấy công chúa và được làm trấn thủ nhiều nơi, hơn 200 năm giàu sang mãi mãi”.
Vậy mối quan hệ giữa họ Đặng với họ Trịnh sâu sắc như thế nào mà suốt 239 năm (1550 – 1789) hai dòng họ gắn bó, thủy chung, đồng hành cùng quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam đến như vậy?, Câu trả lời là mối quan hệ đó khá sâu sắc trên cả 03 khía cạnh: Quan hệ Thông gia anh em; Quan hệ Chúa – Tôi và Quan hệ liên minh. Chúng tôi sẽ phân tích từng mối quan hệ.
1. Quan hệ Thông gia
Năm 1550 là năm đặc biệt, đánh dấu mối quan hệ giữa hai dòng họ, khi Khổng lý bá Đặng Huấn (còn gọi là Đặng Đình Huấn) cùng người bác rể là Thái tể nhà Mạc Lê Bá Ly cùng toàn bộ con cháu, thuộc hạ bỏ nhà Mạc về với Nhà Lê, lúc này do Thái sư Trịnh Kiểm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mạc. Chính cái nhìn tin tưởng ban đầu, khiến Thái sư Trịnh Kiểm đã phong cho Đặng Huấn giữ nguyên chức Khổng Lý Bá như lúc ở nhà Mạc. Điều đáng nói là năm 1550 cũng là năm Triết vương Trịnh Tùng ra đời, người sau này lấy bà Đặng Thị Ngọc Giao, con gái yêu của cụ Đặng Huấn, mở đầu cho mối quan hệ thông gia giữa hai dòng họ.
Thái phi Đặng Thị Ngọc Giao sinh ra chúa Trịnh Tráng và Dũng nghĩa công Trịnh Giai. Ngày nhỏ chúa Trịnh Tráng sống ở nhà ngoại, được bà ngoại (vợ cụ Đặng Huấn) nuôi nấng, dạy học, được bác là Đặng Tiến Vinh (con trai cụ Đặng Huấn và anh trai cụ Đặng Thị Ngọc Giao) dạy võ và binh pháp (Họ Đặng nổi tiếng về võ quan). Sau này khi làm chúa, chúa Trịnh Tráng đã xây Phủ thờ tại Lương Xá để thờ ông bà ngoại, Phủ thờ đến nay vẫn còn, là nơi tâm linh của dòng họ Đặng Lương Xá…
Sau này các đời chúa tiếp theo có 03 quận chúa được gả cho các quân công họ Đặng dòng Lương Xá như Quận công Đặng Tiến Thự lấy con gái chúa Trịnh Tạc, chị gái chúa Trịnh Căn, đồng thời con gái họ Đặng gả cho các chúa Trịnh, nổi bật nhất là Tuyên phi Đặng Thị Huệ lấy chúa Trịnh Sâm…
Như vậy với quan hệ Thông gia, trải dài hơn 200 năm, các quận chúa họ Trịnh được các chúa Trịnh gả cho các quận công họ Đặng dòng Lương Xá và ngược lại. Trong huyết quản của hậu duệ 02 dòng họ có lẫn dòng máu của nhau, tạo mối quan hệ thông gia, anh em một nhà.
2. Quan hệ Chúa – Tôi
Dân gian có câu: Bao giờ núi Chúc hết cây, Sông Ninh hết nước, Đặng này hết quan” cho thấy dòng họ này suốt hơn 200 năm thời các chúa Trịnh có rất nhiều người đỗ đạt hiển vinh, chủ yếu theo nghiệp Võ. Trong số các quan họ Đặng nổi tiếng phải kể đến Quận công Đặng Thế Vinh, Quận công Đặng Tiến Thự, Quận công Đặng Đình Tướng, Trạng nguyên Đặng Công Chất, tác gia Đặng Trần Côn… là những bậc tài danh có nhiều công lao đối với đất nước. Đáng chú ý là các tướng họ Đặng rất được các chúa Trịnh trọng dụng, phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và lập nhiều công trạng cho triều đình. Mặc dù quan hệ thông gia, tuy nhiên quan hệ Chúa – Tôi được thể hiện rõ trong cách ứng xử giữa các chúa Trịnh và quan họ Đặng.
Họ Trịnh có 12 vị chúa thì có tới 09 vị chúa Trịnh có quan hệ rất lớn với họ Đặng có lẽ thể hiện rõ mối quan hệ này. Đầu tiên là mối quan hệ giữa Thái vương Trịnh Kiểm và Nghĩa quận công Đặng Huấn; tiếp đến là quan hệ giữa Chúa Trịnh Tùng và Nghĩa quận công Đặng Huấn (con rể, bố vợ), bố vợ ủng hộ con rể trong binh biến năm 1570 sau khi Thái vương Trịnh Kiểm qua đời; với Quận công Đặng Tiến Vinh (em rể, anh vợ), ông anh vợ hết lòng hết sức phò tá Triết vương Trịnh Tùng trong công cuộc bình Mạc; mối quan hệ giữa chúa Trịnh Tráng và quận công Đặng Tiến Vinh (bác, cháu), là thầy dạy võ và binh pháp cũng là cận thần thân cận trong binh biến năm 1623 khi chúa Trịnh Tùng qua đời; Chúa Trịnh Tạc với Quận công Đặng Tiến Thự (Bố vợ, con rể – Đặng Tiến Thự lấy con gái chúa Trịnh Tạc), Quận công Đặng Tiến Thự hết lòng hết sức giúp bố vợ trấn thủ phía Nam trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn; mối quan hệ giữa chúa Trịnh Căn và Quận công Đặng Tiến Thự (anh rể, em vợ), quận công Đặng Tiến Thự giúp đỡ Chúa Trịnh Căn thủa hàn vi, khi chúa Trịnh Căn bị phạt đã chuyển đến sống cùng chị gái, anh rể một thời gian, rồi chính Quận công Đặng Tiến Thự giúp Trịnh Căn quay trở lại chính trường, lấy lại sự tin yêu của chúa Trịnh Tạc, lập công đầu trong trận chiến với chúa Nguyễn; Chúa Trịnh Cương với Quận công Đặng Đình Tướng (chú rể, cháu vợ), Quận công Đặng Đình Tướng là một trong những người đề xuất Trịnh Cương lên ngôi chúa và đã phò tá chúa Trịnh Cương cùng với các cựu thần như Nguyễn Quý Đức lập nhiều công lớn cho đất nước dưới thời Trịnh Cương; Quận công Đặng Đình Tướng cũng là người đồng ý để thay thế chúa Trịnh Giang bằng chúa Trịnh Doanh, con cháu các vị quan họ Đặng đã giúp sức rất lớn cho chúa Trịnh Doanh trong công cuộc ổn định đất nước. Tiếp nữa là quan hệ của chúa Trịnh Sâm, với tư cách con rể họ Đặng, có nhiều tướng họ Đặng nắm triều chính và có công giúp Chúa Trịnh Sâm trong cuộc chiến chiếm Phú Xuân, bình đất nước. Vị chúa cuối cùng có quan hệ với họ Đặng là Trịnh Cán, con của chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ… như vậy, suốt chiều dài 230 năm, 12 vị chúa Trịnh thì đến 09 Chúa có quan hệ với họ Đặng, một mối quan hệ bền chặt Chúa giỏi – Tôi hiền.
3. Quan hệ liên minh
Họ Đặng là dòng võ tướng với nhiều vị tướng giỏi, trong suốt 230 năm quan hệ giữa hai dòng họ vừa là thông gia, chúa tôi vừa là liên minh trong việc giữ vững vị trí thống trị của họ Trịnh và liên minh bảo vệ đất nước, khiến ngoại bang khiếp sợ không dám xâm lăng. Mối quan hệ liên minh này thể hiện ở một số sự việc đáng chú ý:
– Năm 1570 sau khi Thái vương Trịnh Kiểm mất, Nghĩa Quận công Đặng Huấn và con trai là Đặng Thế Vinh ủng hộ Triết vương Trịnh Tùng lên ngôi thay cha, đồng thời tạo liên minh trong triều, đối trọng với các thế lực khác (Lê Cập Đệ,…) để củng cố quyền lực cho họ Trịnh. Sau đó, các tướng họ Đặng sát cánh cùng với chúa Trịnh Tùng trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, lập nhiều công trạng.
– Năm 1623 sau khi Triết vương Trịnh Tùng băng hà, các tướng họ Đặng ủng hộ cháu ngoại là Trịnh Tráng lên ngôi chúa trong biến loạn Trịnh Xuân, đồng thời thể hiện sức mạnh đối với các thế lực khác có nguy cơ uy hiếp quyền lực của chúa Trịnh (như với tàn dư họ Mạc, các tôn thất khác,…).
– Trong suốt 239 năm, họ Đặng nắm quân đội với rất nhiều quận công (võ tướng), đặc biệt rất trung thành với họ Trịnh, các chúa Trịnh dựa vào liên minh này để kiểm soát quân đội và giữ vững quyền lực chính trị trong nước, cũng như sức mạnh đối với các thế lực ngoại bang, phản loạn.
Sơ bộ khái lược mối quan hệ đặc biệt Trịnh – Đặng trong lịch sử, đây có lẽ là chủ đề rất hấp dẫn với những người yêu sử khám phá với hàng loạt câu hỏi liên quan, trả lời được những câu hỏi như: tại sao hai dòng họ lại có quan hệ gắn bó, thủy chung trong suốt chiều dài như vậy?; sẽ “mở toang” nhiều “thâm cung, bí sử” mà lịch sử hiện nay chưa đề cập đến hoặc đề cập còn rất hạn chế. Từ đó, đánh giá đúng đắn công trạng của các vị chúa Trịnh và quan họ Đặng cho đất nước suốt 230 năm giai đoạn Lê Trung Hưng…
Phủ thờ họ Đặng Việt Nam
Lương Xá – Chúc Sơn – Hà Nội
Ngày 01 tháng 9 năm 2019