Giống Lúa Mùa Châu Hồng Vỏ
Châu hồng vỏ là một trong những giống lúa mùa xưa được ông bà mình xếp vào hàng ngon cơm, có người cho rằng đây cũng là loại gạo tiến vua, nhưng đã thất truyền hơn 30 năm.
Nội dung
Châu hồng vỏ, có thể là một trong những hậu duệ của giống Xích khoáng được Nhà bác học Lê Quý Đôn nhắc đến trong Kiến văn tiểu lục, được ông bà ta mang theo và trồng trong hành trình khai mở vùng đất Phương Nam.
Theo lời kể của nhà nghiên cứu Phù Sa Lộc, tên đúng của nó là Châu hồng vỏ. Chúng tôi cho rằng, qua phong trào khuếch trương chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán Nôm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do các nhà nho tiến bộ phát động, nhiều tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa được dịch ra chữ quốc ngữ, từ đó truyện tàu thâm nhập sâu rộng cả giới bình dân xứ Nam Kỳ thuộc địa nên cái tên Châu hồng vỏ bị gọi chệch thành Châu Hạng Võ!
Được sự giúp đỡ từ nguồn gen bảo tồn của Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ và dự án hỗ trợ của Mekong Organic (Úc Châu), Ông Tư Việt mang về trồng phục hồi theo cách xưa, không phân vô cơ, không thuốc hoá học để nghiên cứu từ vụ mùa năm 2019.
Do đặc điểm của giống là quang cảm yếu, khi chu kỳ ngày ngắn đạt đỉnh chúng mới phân hoá đòng để trỗ nên thời gian chín rất trễ, đến Tết Nguyên đán mới được thu hoạch. Do vậy xu hướng chung là nông dân không thích trồng, trừ trường hợp trồng theo hợp đồng với quy mô nhỏ.
Chung tay giữ gìn văn hóa lúa mùa xưa!