Qua Sông Thương Nhớ Nhạc Sĩ Tài Hoa Đặng Thế Phong
Chắc hẳn nhiều người biết về những lời ca mượt mà, êm dịu, đượm buồn và da diết của ca khúc “Con thuyền không bến”: “Đêm nay thu sang cùng heo may/Đêm nay sương lam mờ chân mây/Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng/Như nhớ thương ai trùng tơ lòng”…
Nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong
Nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong quê ở Nam Định, tên tuổi của ông đã gắn liền với một số nhạc phẩm vượt thời gian. Những “Giọt mưa thu”, “Đêm thu”, “Con thuyền không bến” đã từng đi vào lòng người suốt mấy chục năm qua. Thế nhưng ít ai biết rằng hoàn cảnh ra đời bài “Con thuyền không bến” đầy chất lãng mạn và u sầu ấy lại được tác giả sáng tác trong một đêm trăng mùa thu trên sông Thương (Bắc Giang) với bao nỗi niềm tâm sự.
Chắc hẳn nhiều người biết về những lời ca mượt mà, êm dịu, đượm buồn và da diết của ca khúc “Con thuyền không bến”: “Đêm nay thu sang cùng heo may/Đêm nay sương lam mờ chân mây/Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng/Như nhớ thương ai trùng tơ lòng”… Đó là nỗi lòng đầy giăng mắc của chàng nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong nhưng bạc mệnh vì thương nhớ một cô gái bán hàng ở chợ Sắt Nam Định mà thấy lạc lõng như con thuyền không bến.
Sông Thương nằm cạnh Phủ Lạng Thương, nó không dữ dằn, cuồn cuộn như sông Đà, sông Lô hay mênh mông như sông Hồng nhưng lại rất nên thơ, nên nhạc và có lẽ cái “chất thơ”, “chất nhạc” ấy đã khiến nhạc sĩ thành Nam – Đặng Thế Phong phải rung động? Nhạc phẩm “Con thuyền không bến” đầy tâm trạng và tình cảm đã một thời làm nức lòng bao thế hệ. Về hoàn cảnh ra đời ca khúc này, theo các tài liệu cho biết, năm 1940, Đặng Thế Phong tạm xa gia đình, xa người yêu để lên Bắc Giang ít ngày, một buổi tối trăng sao vằng vặc, ông cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào trên sông Thương rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên tâm sự. Đang lúc vui thì có người đến đưa cho Đặng Thế Phong một phong thư. Đó là thư của cô Tuyết (người yêu ông) từ Nam Định gửi lên. Đọc xong thư, ông rất buồn vì thư báo tin cô Tuyết bị bệnh nặng. Chính đêm hôm đó, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, ông đã ngồi dậy sáng tác “Con thuyền không bến” buồn não nuột… “Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong/Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng/Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu?Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu”.
Nhạc phẩm bất hủ “Con thuyền không bến” của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong
Hai hôm sau Đặng Thế Phong về Nam Định và nhờ đó mà bệnh tình của cô Tuyết thuyên giảm rất nhanh. Tối hôm sau, hai người hẹn gặp lại nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang theo cái lạnh. Đêm ấy trăng lên muộn, trời gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Đặng Thế Phong ghé sát tai cô Tuyết mà hát nhẹ nhàng, giọng dạt dào tình cảm như rót vào tai cô bài “Con thuyền không bến” do ông vừa sáng tác… Sau đó ca khúc chỉ được ông phát hành rất hạn chế trong thanh niên ở quê nhà Nam Định. Thế nhưng, giống như giai điệu của bài hát, lặng lẽ nhưng thấm rất sâu vào lòng người và nhanh chóng lan tỏa.
Theo tài liệu, tháng 12- 1941, Đặng Thế Phong đi Phnôm Pênh. Chính trong thời gian này, ông hoàn chỉnh ca khúc “Con thuyền không bến”. Tháng 6-1942, tại Nhà hát lớn Hà Nội, bài “Con thuyền không bến” được nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển trình bày đã làm xôn xao khán giả Hà Nội. Sau đó chính Đặng Thế Phong trình bày bài hát này tại rạp Olimpia ở phố Hàng Da, Hà Nội. Lúc này công chúng mới thực sự hâm mộ và biết đến tài nghệ của Đặng Thế Phong. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét: “Người nghệ sĩ không còn đứng trong khu vườn nhỏ của mình nữa, anh dắt ta ra trước cảnh thu về trên một dòng sông: Dường như Đặng Thế Phong đã nói lên được tâm trạng của thanh niên nam nữ trong thời đại. Họ sống dưới thời cai trị của thực dân và họ bơ vơ lạc lõng như những con thuyền không bến. Nhưng con thuyền này phải là con thuyền trôi trên một dòng sông dân tộc, dòng sông Thương (ai ơi) nước chảy đôi dòng. Quan trọng nhất là con thuyền phải trôi trong một mùa thu Việt Nam có gió heo may, có sương lam mờ chân mây, có gió van thông ngàn và có ánh trăng mờ chiếu… Nếu là con thuyền trôi trong mùa hè hay trôi trên sông Seine thì chưa chắc bài hát có thể quyến rũ và ám ảnh chúng ta từ lâu và mãi mãi được”. (Lướt theo chiều gió/Một con thuyền theo trăng trong/Trôi trên sông Thương nước chẩy đôi dòng).
Có rất nhiều bài hát về mùa thu nhưng không hiểu “Con thuyền không bến” lại ám ảnh và khắc khoải người nghe đến thế. Không chỉ có lời ca đẹp mà giai điệu bài hát cũng thật đẹp và hư ảo, u sầu. Cùng với “Con thuyền không bến”, “Đêm thu”, “Giọt mưa thu” là những nhạc phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong được xếp vào hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Vậy nhưng cuộc đời nhạc sĩ Đặng Thế Phong dường như những con thuyền không bến. Phát hiện mình bị bệnh lao, ông vẫn ra đi vào Sài Gòn rồi qua tận xứ sở Chùa Tháp để dạy nhạc. Để rồi cuối cùng về lại Hà Nội khi bệnh tình đã quá nặng và qua đời ở tuổi 24. Cuộc đời của Đặng Thế Phong thật quá ngắn ngủi nhưng đời sống tinh thần của ông rất phong phú và thi vị. Những bài hát của Đặng Thế Phong tuy ít những hầu hết vẫn còn được hát đến tận hôm nay.
Anh Khoa