Trao Danh Hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Tặng Trung Tướng Đặng Quân Thụy
Chiều 24/11, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ trao danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” tặng Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên cán bộ nghiên cứu Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân
Chiều 24/11, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ trao danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” tặng Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên cán bộ nghiên cứu Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Dự Lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Cùng dự có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tướng Phan Văn Giang đã trao danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” tặng ông Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nhằm ghi nhận, tôn vinh những thành tích đặc biệt xuất sắc của ông trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, là sự ghi nhận công lao của đồng chí Đặng Quân Thụy đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là niềm vinh dự của gia đình, dòng họ, quê hương đồng chí và cũng là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, Bộ Tổng Tham mưu nói riêng.
Tháng 10/1944, khi còn đang là học sinh trường Bưởi (trường Chu Văn An ngày nay), ông Đặng Quân Thụy đã tham gia vào Mặt trận Việt Minh, thường xuyên nghiên cứu các tài liệu, nhất là tờ báo Cứu Quốc và các tài liệu huấn luyện cơ bản về cách mạng Việt Nam, về chủ nghĩa cộng sản.
Sau đó, ông Đặng Quân Thụy nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Buôn Mê Thuột, Tây Nguyên. Trong trận chiến đấu với quân địch, ông bị thương và được đưa ra Bắc điều trị.
Ngay sau khi bình phục, ông được điều động lên tham gia chiến đấu gần 7 năm ở chiến trường Tây Bắc trong các Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Tây Bắc (1952-1953) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) – những chiến dịch đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Có mặt ở nhiều nơi gian khổ ác liệt, đã nhiều lần dũng cảm, vào sát các trận địa của địch để nắm tình hình, với kinh nghiệm trải qua chiến đấu và sự nhạy bén, tận tâm, trách nhiệm, ông Đặng Quân Thụy đã có những phân tích, đánh giá tình hình địch, tình hình chiến trường một cách chính xác, kịp thời, giúp Bộ Tư lệnh Chiến dịch và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt, làm thay đổi cục diện chiến trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh những chiến công, thành tích nổi bật của ông Đặng Quân Thụy đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta liên tiếp giành thắng lợi trong các chiến dịch, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; góp phần xây đắp truyền thống bách chiến, bách thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Với hơn 60 năm công tác trong quân đội, công tác ở Quốc hội và Hội Cựu chiến binh Việt Nam, 76 năm tuổi Đảng, ông Đặng Quân Thụy đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, ông Đặng Quân Thụy luôn vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân; giữ vững, phát huy tốt phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, vị tướng của Quân đội; luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân.
Là người kinh qua nhiều cương vị công tác, ông luôn thấu hiểu, tận tình chỉ bảo, giúp đỡ, truyền thụ kinh nghiệm công tác cho cấp dưới, nhất là về phương pháp làm việc sâu sát, cụ thể, quyết đoán, hiệu quả và mong muốn cấp dưới tiến bộ, trưởng thành. Ông luôn được đồng chí, đồng đội và cấp dưới tin tưởng, kính trọng.
Để tiếp tục noi theo tấm gương của ông Đặng Quân Thụy, Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị toàn quân tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, gương mẫu tiêu biểu; phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ.”
Bày tỏ niềm vinh dự khi nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sỹ toàn quân, ông Đặng Quân Thuỵ gửi lời cảm ơn đặc biệt đến nhân dân – những người đã nuôi nấng, che chở, đùm bọc ông trong suốt các cuộc kháng chiến cứu nước; cảm ơn hàng trăm nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, là tấm gương sáng để cá nhân ông cũng như các thế hệ chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam noi theo. Đặc biệt, ông Đặng Quân Thuỵ gửi lời tri ân tới hàng triệu anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới, biển đảo.
Ông Đặng Quân Thụy bày tỏ tin tưởng cán bộ, chiến sỹ toàn quân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Đặng Quân Thụy sinh năm 1928, tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; là đại biểu Quốc hội khóa VIII, khóa IX và được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Trong thời gian là đại biểu Quốc hội khóa X, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch và đến cuối năm 2002, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Ông đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ; Huân chương Chiến sỹ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng; Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Sao Vàng.
Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1984 và Trung tướng năm 1989./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trao-danh-hieu-anh-hung-luc-luong-vu-trang-tang-trung-tuong-dang-quan-thuy-post909863.vnp