Thượng Tướng Đặng Vũ Hiệp: Tài Năng Và Đức Độ
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp sinh năm 1928, quê xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Thuở thiếu thời ông học Trường Bưởi, một ngôi trường nổi tiếng của Hà Nội, nơi mà rất nhiều chính khách, tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của đất nước đã từng học tại đây.
Sơ lược Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp sinh năm 1928, quê xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Thuở thiếu thời ông học Trường Bưởi, một ngôi trường nổi tiếng của Hà Nội, nơi mà rất nhiều chính khách, tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của đất nước đã từng học tại đây. Những năm đèn sách Đặng Vũ Hiệp nổi tiếng là thư sinh, giỏi giang và rất hóm hỉnh, khi đất nước lâm nguy, ông đã gác bút nghiên lên đường đánh giặc, cứu nước.
Sau khi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Phú Thọ, Đặng Vũ Hiệp vào quân đội trực tiếp chiến đấu ở các Trung đoàn 23 (Khu 1), Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308), Trung đoàn 86 (Sư đoàn cao xạ 675)…Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đặng Vũ Hiệp là một vị chỉ huy vô cùng gan dạ, quyết đoán, dũng cảm nơi trận mạc, tràn đầy tình cảm với đồng đội và nhân dân. Hơn mười năm ròng rã chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, ông đã tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch, trong đó có những chiến dịch để lại dấu ấn đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược trong lịch sử quân đội ta, như: Chiến dịch Plei Me (1965), chiến dịch Đắc Tô 1(1967), chiến dịch Đắc Xiêng (1970), Chiến dịch Đắc Tô -Tân Cảnh (1972)… Đặng Vũ Hiệp kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên , Chính ủy Chiến dịch Tây Nguyên – Chiến dịch mở đầu mùa Xuân 1975 Đại thắng, Chính ủy Quân đoàn 3 chỉ huy Quân đoàn tham gia trên hướng chính của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp được điều về giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau ngày nghỉ hưu, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp lại vẫn đi tiếp con đường mà ông đã chọn, vì chiến sĩ, vì nhân dân. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Một phần đời quan trọng của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ và dữ dội. Chính vì thế ông thấu hiểu đất và người Tây Nguyên. Ông dành cho mảnh đất này những tình cảm sâu nặng, thiêng liêng. Cùng vào sinh ra tử với ông là những người lính, những anh hùng có tên và không có tên mà sau này mỗi lần nhắc đến, ông vô cùng xúc động. Trong cuốn hồi ký KÝ ỨC TÂY NGUYÊN của ông, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp ghi lại chi tiết, đầy đủ và khách quan những sự kiện diễn ra từ khi Mặt trận Tây Nguyên được thành lập cho tới Đại thắng mùa Xuân 1975. Qua những ghi chép của mình, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã khắc họa về một tập thể cán bộ chiến sĩ và người dân Tây Nguyên, thông qua những phẩm chất anh hùng và cao đẹp của họ. Ông rung động và trân trọng trước sự hy sinh to lớn của những cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu với quân thù.
Ông là vị Tướng yêu thương từng chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với họ, và ông cũng nhận được từ họ sự trân trọng và kính phục.Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp thuyết phục mọi người bằng lòng dũng cảm, tình yêu thương đối với người lính trận mạc. Ông sinh hoạt cùng anh em, cùng hành quân trèo đèo, lội suối, cùng ăn với lính bữa cơm độn sắn. Những ngày giữ chốt đánh địch lấn chiếm mùa mưa 1973, ông đích thân ra tận chốt ở Đắc Rơ Cót bắc Kon Tum, ăn ở với chiến sĩ Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28, cùng anh em bàn cách đánh địch giữ chốt…
Vào giữa năm 1994, Ban Bí Thư Trung ương Đảng nghe Tổng cục Chính trị báo cáo về việc tìm kiếm, cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh trên chiến trường ba nước Đông Dương. Sau khi nghe Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình bày, Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa đi vòng quanh bàn hội nghị vừa nói như thể để mọi người tiếp tục suy nghĩ, xem xét. Bỗng ông Hiệp nói xen vào: “Thưa đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí nói đúng! Vấn đề tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ rất bức xúc hiện nay. Bản thân tôi có người em là Đặng Vũ Tân, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Từ ngày báo tử, bao nhiêu năm rồi mẹ tôi vẫn đắp cái chăn là di vật của em Tân. Khi mẹ tôi từ trần, gia đình chúng tôi lấy cái chăn ấy khâm liệm cho cụ. Lúc mẹ tôi còn sống, cứ mỗi lần tôi về, cụ nói như trách cứ tôi rằng, con làm Tướng mà không tìm được mộ em con về cho mẹ thì nói làm gì”. Nghe vậy, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Đúng đấy! Cụ mắng cậu là phải. Ở bất cứ nơi đâu, người mẹ liệt sĩ nào cũng vậy thôi. Chính các mẹ là người hy sinh lớn nhất. Ở nước ta đã có hàng nghìn bà mẹ đã hiến dâng tất cả những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc. Qua lịch sử lâu dài của dân tộc, có thể khẳng định rằng phẩm chất, đạo đức cao đẹp của con người Việt Nam, một phần quan trọng được thể hiện rõ nét ở người phụ nữ, những người mẹ. Phụ nữ Việt Nam luôn luôn là niềm tự nào của dân tộc ta ”.
Từ sau hội nghị ấy, hiểu được sự nung nấu của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp hình thành nên ý tưởng, ông chỉ đạo Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị xây dựng Đề án chính sách: “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Ngày 29 tháng 8 năm 1994, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã công bố Pháp lệnh qui định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Tiếp sau đó, Chính phủ ra Nghị định về việc qui định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Ngày 17 tháng 12 năm 1994, Chủ tịch nước quyết đinh phong tặng và truy tặng 19.879 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Như vậy, từ sự nung nấu của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng cục Chính trị đã hiện thực hóa Đề án và được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước quyết định phong tặng và truy tặng Danh hiệu cao quí Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Khi Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh: “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” ngày 25 tháng 7 năm 2004 tại Thành phố Hồ Chí Minh ông thiết tha kêu gọi: “Hãy đến với các nạn nhân chất độc da cam, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Ở đó, nhiều người đã chết, nhiều người đang hàng ngày hàng giờ sống trong bệnh tật giầy vò, vì di chứng tàn khốc của chất độc da cam…”
Ngày 8 tháng 6 năm 2007, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp dẫn đầu đoàn đại biểu nạn nhân chất độc da cam/dioxin các tỉnh, thành phố trong cả nước đến chào Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hôm đó, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết ôm hôn thắm thiết ông và nói: ”Anh Hiệp là vị Tướng đã vào sinh ra tử, nay có thể nghỉ mà không ai chê trách, nhưng vì tình nghĩa đồng đội, tình nghĩa đồng bào anh vẫn làm việc ngày đêm, chăm lo cho anh chị em nạn nhân chất độc da cam”.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Viêt Nam do Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp làm Chủ tịch đã thu hút được sự ủng hộ, giúp đỡ không chỉ của quân đội, nhân dân cả nước ta, mà của cả nhiều tổ chức, bạn bè quốc tế. Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh – Việt ông Len Aldis và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc ông Hi Heeng Kiu khi gặp ông đều nói: “Chúng tôi rất lấy làm vinh dự được tiếp xúc và làm việc với Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp – Một vị Tướng chiến trường năm xưa của Quân đội Việt Nam Anh hùng”.
Lê Hải Triều