Quy Chế Hoạt Động Của Hội Đồng Họ Đặng Việt Nam Khóa I Nhiệm Kỳ 2019 – 2024
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ ĐẶNG VIỆT NAM KHÓA I
Quy chế hoạt động
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI ĐỒNG HỌ ĐẶNG VIỆT NAM KHÓA I
NHIỆM KỲ 2019 – 2024
Chương I
NHỮNG ĐỊNH NGHĨA CHUNG
Điều 1. Họ Đặng Việt Nam
Là tổ chức kết nối cộng đồng người họ Đặng trong nước và kiều bào họ Đặng ở nước ngoài, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật; trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và hiệp thương dân chủ, vì mục tiêu bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của dòng họ, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 2. Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam
Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức Họ Đặng Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc; do Đại hội đại biểu Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam hiệp thương chọn cử, có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động của dòng họ Đặng theo đúng Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Quy ước của dòng họ.
Chương II
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Điều 3. Các cấp tổ chức của Họ Đặng Việt Nam
Tổ chức của Họ Đặng Việt Nam được phân làm 4 cấp như sau:
+ Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam (gọi tắt là Hội đồng Họ Đặng Việt Nam).
+ Hội đồng Họ Đặng cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Hội đồng họ Đặng cấp tỉnh).
+ Hội đồng Họ Đặng cấp huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố (gọi tắt là Hội đồng Họ Đặng cấp huyện).
+ Ở cấp cơ sở là các chi họ, dòng nhánh, nhà thờ, từ đường.
Điều 4. Tổ chức và nhân sự của Hội đồng Họ Đặng Việt Nam
+ Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam do Đại hội Đại biểu Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam hiệp thương, chọn cử và giao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của dòng họ giữa hai nhiệm kỳ Đại hội.
+ Số lượng Ủy viên Hội đồng Toàn quốc được hiệp thương tại Đại hội I là 140 vị. Cơ cấu trong cả nhiệm kỳ được chỉ định bổ sung tùy thời điểm và không vượt quá 180 Ủy viên.
+ Việc quy hoạch, cơ cấu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh của Ủy viên Hội đồng trong nhiệm kỳ, chỉ định bổ sung nhân sự Hội đồng do Thường trực Hội đồng đề xuất, Hội nghị Hội đồng quyết định hoặc ủy quyền cho Thường trực Hội đồng quyết định.
+ Nhiệm kỳ của Hội đồng họ Đặng Việt Nam khóa I là 5 năm (2019 – 2024). Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ do Thường trực Hội đồng đề xuất, Hội nghị Hội đồng quyết định hoặc ủy quyền cho Thường trực Hội đồng quyết định. Thời gian rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ không sớm hoặc muộn quá 1/3 nhiệm kỳ chính thức.
Điều 5. Cơ quan Thường trực của Hội đồng
+ Thường trực Hội đồng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội đồng Toàn quốc họ Đặng Việt Nam giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể do Hội đồng Toàn quốc hiệp thương tại Hội nghị lần thứ nhất sau Đại hội; có cơ cấu bao gồm:
– Chủ tịch Hội đồng;
– Phó Chủ tịch thứ Nhất;
– Hai phó Chủ tịch Thường trực;
– Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký;
– Các Phó Chủ tịch;
– Các Ủy viên Thường trực.
+ Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng là Ban lãnh đạo Chủ chốt của Thường trực Hội đồng. Thường trực Hội đồng ủy quyền việc giải quyết công việc thường xuyên cho Ban lãnh đạo Chủ chốt trong thời gian giữa hai kỳ Hội nghị Thường trực.
+ Số lượng Ủy viên Thường trực Hội đồng được hiệp thương tại Hội nghị lần thứ I của Hội đồng khóa I là 23 vị. Tùy tình hình thực tế số lượng ủy viên Thường trực Hội đồng trong nhiệm kỳ có thể bổ sung thêm song không vượt quá 25 Ủy viên.
+ Việc quy hoạch, cơ cấu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh của Ủy viên Hội đồng, Ủy viên Thường trực Hội đồng trong nhiệm kỳ do Thường trực Hội đồng đề xuất, Hội nghị Hội đồng quyết định hoặc ủy quyền cho Thường trực Hội đồng quyết định.
Điều 6. Hội đồng Tư vấn
+ Hội đồng Tư vấn do Hội đồng Toàn quốc họ Đặng Việt Nam hiệp thương thành lập gồm các vị có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động dòng họ, một số vị trong Hội đồng Tư vấn không tham gia trong cơ cấu nhân sự Hội đồng Toàn quốc.
+ Hội đồng Tư vấn có nhiệm vụ tư vấn về tổ chức và hoạt động của dòng họ, giúp Hội đồng đồng Họ Đặng Việt Nam triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc họ Đặng Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2019 – 2024.
+ Số lượng thành viên Hội đồng Tư vấn trong cả nhiệm kỳ không vượt quá 15 thành viên. Cơ cấu bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Thành viên Hội đồng. Hội đồng Họ Đặng Việt Nam quyết định hoặc ủy quyền cho Thường trực hiệp thương, kiện toàn cơ cấu nhân sự của Hội đồng Tư vấn trong nhiệm kỳ.
Điều 7. Văn phòng Hội đồng và các Ban chuyên môn
+ Văn phòng Hội đồng 1, 2 và các Ban chuyên môn được thành lập để tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các lĩnh vực công việc của Hội đồng và Thường trực Hội đồng, bao gồm:
– Văn phòng 1 – Phía Bắc;
– Văn phòng 2 – Phía Nam;
– Ban Kinh tế – Tài chính – An sinh;
– Ban Tổ chức – Kiểm tra;
– Ban Gia phả – Nghi lễ;
– Ban Thông tin – Văn hóa;
– Ban Khuyến học.
+ Thường trực Hội đồng quyết định việc giao các Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng phụ trách các Ban chuyên môn và lãnh đạo Văn phòng 1, 2 của Hội đồng.
+ Cơ cấu một số Ủy viên Hội đồng giữ các chức danh Phó Tổng Thư ký Hội đồng, Phó Chánh Văn phòng 1, 2 và Phó Trưởng các Ban chuyên môn, Ủy viên các ban chuyên môn của Hội đồng.
+ Việc quy hoạch, giới thiệu và quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức danh trong các Ban chuyên môn và Văn phòng 1, 2 của Hội đồng do Thường trực Hội đồng quyết định.
+ Thường trực Hội đồng quyết định về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và phê duyệt kế hoạch công việc hằng năm của các Ban chuyên môn và Văn phòng 1, 2 của Hội đồng.
Chương III
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN
Điều 8. Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng họ Đặng Việt Nam
+ Lãnh đạo, chỉ đạo nội dung, chương trình hành động và giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2019 – 2024.
+ Quyết định nội dung và chỉ đạo việc ban hành, tổ chức thực hiện Quy ước Họ Đặng Việt Nam và Quy chế hoạt động của Hội đồng khóa I.
+ Ủy quyền cho Thường trực Hội đồng quyết định công nhận kết quả Đại hội và bộ máy tổ chức Họ Đặng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Xem xét các báo cáo định kỳ và bất thường của Thường trực Hội đồng, các Ban chức năng và Hội đồng Tư vấn tại các Hội nghị toàn thể Hội đồng.
+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng tổ chức Họ Đặng và xét kết nạp các thành viên mới.
+ Chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết các chương trình hành động, các chủ trương, nghị quyết của Hội đồng Họ Đặng Việt Nam.
+ Thảo luận và quyết định việc chuẩn bị nội dung, nhân sự, thời gian, địa điểm để triệu tập Đại hội Đại biểu Họ Đặng Toàn quốc lần thứ II.
Điều 9. Trách nhiệm và quyền hạn của Thường trực Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam
+ Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công việc và ban hành các quyết định của Hội đồng Toàn quốc giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể của Hội đồng.
+ Quán triệt, cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chỉ thị của Hội đồng Toàn quốc.
+ Quyết định những chủ trương, giải pháp và những vấn đề quan trọng nảy sinh giữa hai kỳ Hội nghị Hội đồng và báo cáo lại Hội đồng trong Hội nghị gần nhất.
+ Quyết định phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Hội đồng, các chức danh trong Thường trực Hội đồng.
+ Triển khai tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng Họ Đặng Việt Nam.
+ Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh đối với nhân sự các Ban chức năng, Văn phòng 1, 2 của Hội đồng.
+ Quyết định thành lập, giải thể, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với các tổ chức và nhân sự trong các tổ chức trực thuộc khác của Hội đồng.
+ Trực tiếp quyết định và điều hành công tác tài chính dòng họ, các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, đối nội, đối ngoại và khuyến học.
+ Quyết định nội dung và thời gian triệu tập hội nghị Hội đồng Toàn quốc định kỳ hoặc bất thường.
+ Ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định và các văn bản quan trọng của Hội đồng giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể.
+ Thực hiện việc khen thưởng và kỷ luật; hoạt động hòa giải dòng họ và xây dựng tổ chức cơ sở.
Điều 10. Chủ tịch Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam
+ Là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong Hội đồng và Thường trực Hội đồng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc và Quy chế làm việc của Hội đồng.
+ Thực hiện vai trò nòng cốt lãnh đạo, trung tâm đoàn kết của tập thể Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam và Thường trực Hội đồng.
+ Chủ trì các Hội nghị toàn thể Hội đồng và Hội nghị Thường trực Hội đồng.
+ Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
+ Chỉ đạo chuẩn bị nội dung, chương trình, chủ trì và kết luận các hội nghị định kỳ cũng như các cuộc họp bất thường khác của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
+ Thay mặt Hội đồng và Thường trực Hội đồng thực hiện các hoạt động nghi lễ, tâm linh, đối nội, đối ngoại.
+ Xây dựng các mối quan hệ đối với các tổ chức xã hội, văn hóa và dòng họ khác.
+ Ký các nghị quyết, quyết định, chỉ thị và các văn bản quan trọng khác của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
+ Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các Ủy viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng và hoạt động của dòng họ các tỉnh từ Nghệ An trở vào.
Điều 11. Phó Chủ tịch Thứ Nhất:
+ Là người giữ vị trí thứ hai về trách nhiệm và quyền hạn trong Hội đồng và Thường trực Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam.
+ Cùng Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo toàn diện công việc của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
+ Thay mặt Chủ tịch điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng Toàn quốc và Thường trực Hội đồng khi được ủy quyền.
+ Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các Ủy viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng, hoạt động của dòng họ các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra.
+ Ký các văn bản quan trọng của Hội đồng và Thường trực Hội đồng khi có sự thống nhất của Chủ tịch Hội đồng.
+ Trực tiếp phụ trách Hội đồng Tư vấn họ Đặng Việt Nam để tiếp nhận các thông tin tư vấn của Hội đồng và các Thành viên Hội đồng.
+ Chỉ đạo công tác tổ chức, nhân sự, khen thưởng, kỷ luật của Hội đồng Toàn quốc Họ Đặng Việt Nam.
Điều 12. Các Phó Chủ tịch
+ Hội đồng Họ Đặng Việt Nam khóa I nhiệm kỳ 2019 – 2024 cơ cấu hai Phó Chủ tịch Thường trực, được giao phụ trách công việc thường xuyên của Hội đồng và Thường trực Hội đồng tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam thông qua Văn phòng 1 và Văn phòng 2.
+ Hai Phó Chủ tịch Thường trực có nhiệm vụ phối hợp xây dựng kế hoạch công việc, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội đồng và Thường trực Hội đồng theo Quy chế; ký các văn bản của Hội đồng khi được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thứ Nhất ủy quyền.
+ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách việc soạn thảo các văn kiện, tài liệu quan trọng của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
+ Các Phó Chủ tịch khác của Hội đồng được phân công phụ trách một lĩnh vực hoạt động, một khu vực, một vùng hoặc một tỉnh, thành phố. Chịu trách nhiệm trước tập thể Hội đồng và Chủ tịch Hội đồng về các nhiệm vụ được giao. Trực tiếp giải quyết các công việc của Hội đồng và Thường trực khi được Chủ tịch Hội đồng ủy nhiệm.
Điều 13. Các Ủy viên Thường trực
+ Tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
+ Trực tiếp phụ trách một Ban chức năng, một tổ chức trực thuộc Hội đồng hoặc một lĩnh vực công việc theo phân công của Thường trực.
+ Được Thường trực ủy nhiệm giải quyết một số công việc cụ thể khi cần thiết.
+ Đề xuất với Hội đồng, Thường trực Hội đồng những nội dung liên quan đến chủ trương, giải pháp trong công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, đoàn kết, phát triển và kết nối họ tộc.
+ Thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả công việc trên những lĩnh vực được phân công phụ trách với Thường trực và Chủ tịch.
+ Các Ủy viên Thường trực là Chánh Văn phòng 1 và 2 của Hội đồng chịu trách nhiệm toàn bộ về công việc quản trị hành chính, văn phòng, văn thư lưu trữ, thi đua khen thưởng, đối nội đối ngoại v.v… Trực tiếp giúp Chủ tịch và Phó Chủ tịch thứ Nhất trong hoạt động thường nhật.
Điều 14. Các Ủy viên Hội đồng
+ Chấp hành sự phân công của Hội đồng và Thường trực Hội đồng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
+ Thực hiện đúng các quy định trong Quy chế hoạt động của Hội đồng khóa I.
+ Tham gia lãnh đạo tập thể và biểu quyết công việc của Hội đồng.
+ Nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật của Nhà nước và Quy ước Họ Đặng Việt Nam.
+ Trực tiếp tham gia lãnh đạo Hội đồng Họ Đặng tỉnh, thành phố hoặc chi họ, nhà thờ lớn trong nước.
+ Được phân công phụ trách một trong số các lĩnh vực hoạt động của Hội đồng.
+ Chủ động nắm bắt thường xuyên tình hình công việc được giao phụ trách, kịp thời phát hiện các vấn đề mới nảy sinh để báo cáo và đề xuất với Thường trực các phương án giải quyết.
+ Giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh và đoàn kết, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; toàn tâm toàn ý với công việc, dũng cảm đấu tranh vì sự phát triển trường tồn của dòng họ.
+ Báo cáo các công việc do cá nhân phụ trách với Hội đồng, Thường trực Hội đồng khi có yêu cầu.
+ Tham gia đầy đủ các kỳ họp của Hội đồng và các cuộc họp khác khi có yêu cầu của Thường trực Hội đồng.
+ Được quyền bảo lưu các ý kiến cá nhân, nhưng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định đã được tập thể Hội đồng biểu quyết nhất trí.
+ Khi được Hội đồng hoặc Thường trực Hội đồng giao giải quyết công việc gì thì phải chịu trách nhiệm trước tập thể Hội đồng và Thường trực Hội đồng về các quyết định của mình cũng như mức độ hoàn thành công việc đó.
+ Không được tự ý thay mặt Hội đồng, Thường trực Hội đồng ký các văn bản, phát ngôn hoặc giải quyết các công việc ngoài phạm vi chức trách đã quy định.
+ Đóng Quỹ họ đầy đủ theo quy định.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 15. Chế độ hội họp
+ Hội đồng Họ Đặng Việt Nam họp định kỳ 1 năm/1 lần, không kể Hội nghị bất thường. Việc triệu tập và chuẩn bị nội dung Hội nghị định kỳ hay bất thường của Hội đồng do Thường trực Hội đồng quyết định.
+ Thường trực Hội đồng Họ Đặng Việt Nam họp 6 tháng/1 lần, không kể Hội nghị bất thường. Việc triệu tập và chuẩn bị nội dung Hội nghị định kỳ hay bất thường của Thường trực Hội đồng do Chủ tịch thống nhất với Phó Chủ tịch thứ Nhất quyết định.
+ Các Ủy viên Hội đồng hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng không tham gia Hội nghị định kỳ quá 2 lần liên tiếp mà không có lý do chính đáng thì được xem xét cho thôi giữ chức danh Ủy viên Hội đồng hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng.
+ Trong những trường hợp đặc biệt đặc thù có tính quan trọng khẩn cấp, Chủ tịch và Phó Chủ tịch thứ Nhất hội ý để quyết định chủ trương, giải pháp thực hiện; sau đó báo cáo lại Hội đồng trong phiên họp gần nhất.
+ Các Ủy viên Hội đồng hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng không tham gia Hội nghị định kỳ quá 2 lần liên tiếp mà không có lý do chính đáng, không có thư xin vắng mặt thì được Thường trực Hội đồng xem xét cho thôi giữ chức danh Ủy viên Hội đồng hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng.
+ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Thường trực Hội đồng thường xuyên gặp gỡ trao đổi công việc hoặc xử lý công việc hằng ngày bằng điện thoại, email hoặc các phương tiện thông tin khác.
+ Các Hội nghị của Hội đồng và Thường trực Hội đồng phải đảm bảo tính dân chủ, thiết thực và hiệu quả; các ý kiến thảo luận được thư ký ghi đầy đủ vào biên bản.
+ Trong cùng một vấn đề, nếu có nhiều ý kiến khác nhau, chủ tọa Hội nghị có thể lấy biểu quyết (bằng cách bỏ phiếu kín hoặc giơ tay) và quyết định theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
+ Thư ký Hội nghị ghi chép biên bản và dự thảo nghị quyết trình Thường trực Hội đồng thông qua trước khi ký ban hành. Tùy theo tính chất của từng Hội nghị, Chủ tịch (hoặc người được ủy quyền chủ trì) sẽ kết luận và quyết định thông báo nội dung đến các thành phần có liên quan.
+ Văn phòng 1, 2 của Hội đồng chịu trách nhiệm tham mưu việc chuẩn bị nội dung, tài liệu, các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, hậu cần, thông tin liên lạc v.v… phục vụ các kỳ họp.
+ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký có trách nhiệm phối hợp các Phó Chủ tịch, chỉ đạo Văn phòng 1, 2 và các Ban chức năng trong việc chuẩn bị nội dung cũng như các điều kiện để tiến hành các Hội nghị của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
Điều 16. Chế độ ban hành văn bản
+ Hội đồng, Thường trực Hội đồng ban hành các văn bản để chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của công việc dòng họ, gồm: Nghị quyết, Quy định, Quyết định, Kế hoạch, Đề án, Công văn, Thông báo, Biên bản, Kết luận v.v…
+ Các văn bản quan trọng của Hội đồng và Thường trực Hội đồng do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký chủ trì phối hợp soạn thảo. Những văn bản chuyên môn khác do các Ban và Văn phòng Hội đồng 1 và 2 tham mưu soạn thảo theo chức năng, nhiệm vụ quy định.
+ Văn phòng Hội đồng 1, 2 chịu trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý, nội dung, thể thức của tất cả các văn bản để hoàn thiện trước khi trình ký ban hành; đồng thời có nhiệm vụ tổ chức quản lý và xử lý văn bản đi đến; thực hiện chế độ văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu của Hội đồng Họ Đặng theo quy định của pháp luật.
+ Các Ban chức năng và các tổ chức trực thuộc Hội đồng được phát hành các văn bản có tính chất chuyên môn, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được quy định hoặc văn bản giao dịch nội bộ. Nếu sử dụng con dấu của Hội đồng phải được sự đồng ý của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng.
+ Con dấu của Hội đồng Toàn quốc họ Đặng Việt Nam là cơ sở pháp lý của Họ Đặng Việt Nam được đăng ký và thừa nhận của pháp luật. Chánh Văn phòng 1, 2 của Hội đồng chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng con dấu đúng quy định.
+ Hội đồng Họ Đặng các cấp từ tỉnh, thành phố đến cơ sở sử dụng con dấu theo mẫu hướng dẫn của Hội đồng Họ Đặng Việt Nam để ban hành các văn bản trong phạm vi thẩm quyền.
+ Các tổ chức khác trực thuộc Hội đồng được quyền đăng ký và sử dụng con dấu riêng, mẫu dấu do Thường trực Hội đồng quyết định và phê duyệt.
Điều 17. Chế độ thu, chi tài chính
+ Chế độ thu, chi tài chính của Hội đồng thực hiện theo các quy định hiện hành về quỹ và lập quỹ của các hội và tổ chức đoàn thể, thông qua hệ thống sổ sách, chứng từ hợp pháp. Quy chế tài chính của Hội đồng do Thường trực quyết định ban hành, thực hiện trong nhiệm kỳ.
+ Mức đóng Quỹ họ của Ủy viên Hội đồng Họ Đặng Toàn quốc là 1.200.000 đồng/năm. Hội đồng khuyến khích các Ủy viên Hội đồng, các doanh nhân, các nhà hảo tâm có điều kiện ủng hộ, phát triển Quỹ họ.
+ Ủy viên Hội đồng và Thường trực Hội đồng nếu không đóng Quỹ họ quá 2 lần trong nhiệm kỳ, không có lý do chính đáng, không có đơn xin chậm đóng hoặc xin miễn đóng thì được Thường trực Hội đồng xem xét cho thôi giữ chức danh Ủy viên Hội đồng hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng.
+ Tài khoản của Hội đồng họ Đặng Việt Nam được mở tại ngân hàng trong nước. Thường trực Hội đồng quyết định toàn bộ việc thu, chi tài chính của Hội đồng theo Quy chế. Chủ tịch Hội đồng là chủ tài khoản hoặc ủy quyền một Phó Chủ tịch làm chủ tài khoản của Hội đồng.
+ Trưởng Ban Kinh tế – Tài chính – An sinh có nhiệm vụ tham mưu và quản lý toàn bộ về tài chính của Hội đồng và dòng họ. Việc thu chi, thanh quyết toán các hoạt động và các hạng mục mua sắm, đầu tư; báo cáo tài chính định kỳ hằng năm và bất thường theo đúng quy định của pháp luật.
+ Quỹ hoạt động của Hội đồng được hình thành từ các khoản thu Quỹ họ hàng năm của các Ủy viên Hội đồng, tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài dòng họ; tiền thu từ các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh của các cơ sở thuộc Hội đồng nếu có.
+ Quỹ của Hội đồng được chi cho các hoạt động thường xuyên của Hội đồng và Thường trực Hội đồng; chi đối nội, đối ngoại, hành chính văn phòng, thi đua khen thưởng; chi hội nghị, hội họp; cứu trợ thiên tai, an sinh xã hội, mừng thọ, lễ nghi, tâm linh; hỗ trợ, đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhà thờ, từ đường và các khoản chi liên quan khác.
+ Quy chế tài chính của Hội đồng do Thường trực Hội đồng quyết định nội dung và ban hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước.
+ Quỹ Khuyến học của Hội đồng Toàn quốc do Thường trực quyết định thành lập và có Quy chế riêng.
Điều 18. Chế độ phát ngôn và thông tin
+ Hội đồng họ Đặng Việt Nam lập trang website chính thức để đăng tải thông tin hoạt động của Hội đồng. Ban Thông tin – Văn hóa chịu trách nhiệm quản trị trang website của Hội đồng.
+ Ủy viên Hội đồng và Thường trực Hội đồng họ Đặng Việt Nam được cung cấp thông tin và có quyền bảo lưu ý kiến cá nhân khác với quyết nghị của tập thể Hội đồng và Thường trực Hội đồng, nhưng phải nói và làm theo đúng nội dung quyết nghị đó.
+ Ủy viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng chấp hành đầy đủ quy định về sử dụng tài liệu của Hội đồng và Thường trực Hội đồng, không được tự ý phát tán tài liệu cá nhân, phát ngôn hoặc viết trên các trang mạng xã hội những nội dung có ảnh hưởng đến dòng họ.
+ Những vấn đề được tập thể Hội đồng, Thường trực Hội đồng bàn và quyết định nhưng chưa thể hiện bằng văn bản chính thức thì các ủy viên chưa được truyền đạt, phổ biến trên mạng xã hội hoặc những nơi khác.
+ Chủ tịch Hội đồng ủy quyền cho Phó Chủ tịch thứ Nhất là người phát ngôn của Hội đồng Họ Đặng Việt Nam.
Chương V
CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 19. Mối quan hệ trong và ngoài Hội đồng
+ Hội đồng Họ Đặng Việt Nam thực hiện nguyên tắc bình đẳng và đồng thuận trong quan hệ nội bộ dòng họ; hợp tác để cùng phát triển trong các mối quan hệ đối ngoại.
+ Hội đồng Họ Đặng Việt Nam hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam; có lộ trình phấn đấu và mong muốn trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Hội đồng Họ Đặng Việt Nam có mối quan hệ hợp tác đối với các hội, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị Việt Nam; phối hợp đối với các tổ chức họ tộc khác cũng như các tổ chức văn hóa xã hội trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực hoạt động có liên quan.
Điều 20. Quy ước của Họ Đặng Việt Nam
+ Quy ước của Họ Đặng Việt Nam là tập hợp các quy định và ước lệ của dòng họ về văn hóa ứng xử, quan hệ xã hội, nề nếp gia phong, nghi thức thờ phụng và các mối quan hệ xã hội của Họ Đặng.
+ Hội đồng và Thường trực Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu văn hóa truyền thống của dòng họ để hoàn thiện Quy ước, tổ chức tuyên truyền và thực hành Quy ước trong dòng họ.
+ Hội đồng Họ Đặng các cấp, các nhà thờ, chi họ, từ đường Họ Đặng trong toàn quốc có trách nhiệm vận động, tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện Quy ước dòng họ đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và phong tục của từng địa phương trong cả nước.
+ Hội đồng Họ Đặng Việt Nam ủy quyền cho Thường trực Hội đồng triển khai việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện Quy ước, sửa đổi bổ sung Quy ước khi thấy cần thiết để phù hợp với thực tế hoạt động dòng họ trong nhiệm kỳ.
Điều 21. Lá cờ Họ Đặng, Gia huy và Bài hát truyền thống của Họ Đặng Việt Nam
+ Lá cờ Họ Đặng là lá cờ thần nền đỏ, giữa có chữ Đặng (chữ nho) màu vàng kích cỡ phù hợp, được thống nhất sử dụng trong các hoạt động lễ hội, sự kiện hay nghi thức khác của dòng họ từ cấp toàn quốc đến cơ sở.
+ Gia huy Họ Đặng hình tròn, vòng ngoài có biểu tượng chim Lạc, bản quyền của ông Đặng Đức Dũng đã trao tặng lại cho dòng họ, có chữ Đặng bằng chữ nho ở trung tâm Gia huy, kích cỡ phù hợp được thống nhất sử dụng trong toàn dòng họ.
+ Bài hát truyền thống của Họ Đặng là tác phẩm “Bài ca Họ Đặng Việt Nam” bản quyền của ông Đặng Ngọc Thăng đã trao tặng lại cho dòng họ, được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ, sự kiện của dòng họ.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Trách nhiệm thực hiện Quy chế
+ Các Ủy viên Hội đồng Họ Đặng Việt Nam, Ủy viên Thường trực Hội đồng, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này.
+ Văn phòng 1, 2 của Hội đồng có nhiệm vụ phối hợp tham mưu việc triển khai thực hiện Quy chế, giám sát thường xuyên và đánh giá việc thực hiện Quy chế này vào các kỳ họp của Hội đồng và Thường trực Hội đồng.
+ Tập thể hoặc cá nhân Ủy viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng nếu làm trái với các quy định của Quy chế này sẽ phải kiểm điểm, xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
+ Việc kiểm điểm, xử lý vi phạm quy chế do Chủ tịch thảo luận với các Phó Chủ tịch để báo cáo Thường trực Hội đồng quyết định hình thức, mức độ xử lý và phạm vi công bố.
Điều 23. Quyền hạn sửa đổi, bổ sung Quy chế
+ Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có những vấn đề bất cập hoặc phát sinh, các ủy viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng phải kịp thời báo cáo cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
+ Việc bổ sung, sửa đổi các điều khoản trong Quy chế này do Thường trực Hội đồng đề xuất để Hội nghị Hội đồng Họ Đặng Việt Nam khóa I quyết định.
+ Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành.
——–