
5 Cách Đơn Giản Để Sống Xanh
Bạn muốn sống xanh nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Đừng lo, sống xanh không cần phải làm một việc gì đó quá lớn lao. Từ việc tiết kiệm điện, nước, đến lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường hay hạn chế rác thải nhựa, tất cả đều là những hành động nhỏ cho một cuộc sống xanh.
1. Tiết kiệm điện – tắt khi không dùng tới
Năng lượng điện tiêu thụ hằng ngày chính là một trong những nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tắt tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng như: đèn, quạt, máy tính, TV,… Hãy thay thế bóng đèn thường bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng, cắm thiết bị điện vào ổ cắm có công tắc để dễ dàng ngắt nguồn. Ngoài ra, tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày cũng là một cách hay để giảm điện năng tiêu thụ.
2. Tiết kiệm nước
Nước sạch đang dần trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Việc tiết kiệm nước có thể bắt đầu bằng những hành động rất nhỏ như: khóa vòi nước khi đánh răng, sử dụng vòi sen tiết kiệm, rút ngắn thời gian tắm, hoặc tái sử dụng nước mưa để tưới cây, rửa sân. Đừng quên kiểm tra và sửa chữa ngay những chỗ rò rỉ nước để tránh lãng phí không cần thiết.
3. Hạn chế rác thải nhựa
Rác thải nhựa dùng một lần không thể tái chế là “kẻ thù” của môi trường vì khả năng phân hủy lâu (có thể lên tới hàng trăm năm). Hãy hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp… thay vào đó hãy mang theo túi vải, hộp đựng cá nhân khi mua đồ ăn, chai nước cá nhân hoặc bình giữ nhiệt. Bạn cũng có thể tái sử dụng các hũ thủy tinh để đựng gia vị hoặc thực phẩm khô thay vì mua thêm đồ mới.
4. Tiêu dùng thông minh
Trước khi mua một món đồ, hãy tự hỏi: “Mình có thật sự cần không?”, “Sản phẩm này có thân thiện với môi trường không?”. Ưu tiên chọn mua những sản phẩm có độ bền cao, có thể tái chế, sản xuất bằng nguyên liệu tự nhiên hoặc đến từ các thương hiệu bền vững. Việc tiêu dùng thông minh giúp giảm lãng phí và góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn.
5. Phân loại rác thải
Phân loại rác không chỉ giúp giảm tải cho các bãi rác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế và xử lý đúng cách. Bạn có thể bắt đầu bằng 3 loại: rác hữu cơ (vỏ rau củ, thức ăn thừa…), rác tái chế (giấy, nhựa, kim loại…) và rác không tái chế (tã, đồ gốm vỡ…). Có thể đặt các thùng rác phân loại ngay trong nhà bếp để dễ thực hiện hằng ngày.