(Danh nhân) Alfred Nobel - Cha đẻ của thuốc nổ và Giải Nobel
1. Cuộc đời và sự nghiệp
Là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, Alfred Nobel là chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cống hiến suốt đời cho khoa học, Nobel đạt tới đỉnh cao của vinh quang và giàu có, nhưng lại bất hạnh về đời tư và ra đi trong cô độc.
Alfred Nobel.
Alfred Nobel sinh ngày 12/10/1833 tại Stockholm. Cha của ông, Immanuel Nobel, là một kỹ sư kiêm nhà sáng chế, người đã tham gia xây dựng nhiều cầu và cao ốc tại Stockholm. Mẹ của Alfred, Andrietta Ahlsell, xuất thân từ một gia đình giầu có. Do những rủi ro trong công trình xây dựng, Immanuel Nobel bị phá sản, đúng vào năm cậu nhỏ Alfred Nobel chào đời.
Năm 1837, Immanuel Nobel rời Stockholm, đưa gia đình tới lập nghiệp ở Phần Lan và Nga. Để có thêm tiền, Andrietta Nobel mở một cửa hàng tạp hoá, cửa hàng đã đem lại cho bà và gia đình một khoản thu nhập khiêm tốn. Cùng thời gian đó, Immanuel Nobel bắt đầu thành công với một xưởng cung cấp trang thiết bị cho quân đội Nga ở St. Petersburg. Ông cũng thuyết phục được Nga hoàng và các tướng lĩnh rằng nên dùng thuỷ lôi để ngăn chặn hải quân của kẻ thù xâm nhập vào thành phố. Thuỷ lôi do Immanuel Nobel thiết kế rất đơn giản. Chúng chỉ là những thùng gỗ chứa đầy thuốc súng có thể đặt ngầm dưới biển. Immanuel Nobel còn là người tiên phong trong chế tạo vũ khí và thiết kế các động cơ hơi nước.
Immanuel Nobel.
Thành công trong kinh doanh và công nghiệp, năm 1842 Immanuel Nobel đưa cả gia đình tới St. Petersburg. Tại đây, các con trai ông bắt đầu được học với các giáo viên tư thục những môn cơ bản như khoa học tự nhiên, ngôn ngữ và văn học. Alfred Nobel, năm 17 tuổi, đã thành thạo tiếng Thuỵ Điển, Nga, Pháp, Anh và Đức. Sở thích chính của cậu là thơ và văn học Anh, cũng như vật lý và hoá học. Cha của Alfred, trong khi đó lại chỉ mong con trai mình trở thành kỹ sư để nối nghiệp kinh doanh của ông.
Để mở rộng tầm hiểu biết của con, Immanuel Nobel gửi Alfred ra nước ngoài học tập thêm trong lĩnh vực hoá học. Tại Paris, thành phố mà anh ưa thích nhất, Alfred gặp gỡ với nhà hoá học trẻ người Italia, Ascanio Sobrero, người ba năm trước đó đã phát minh ra nitroglycerine, một chất lỏng dễ nổ. Rất quan tâm đến nitroglycerine và phương pháp ứng dụng nó vào các công trình xây dựng, Alfred đồng thời cũng nhận ra rằng phải giải quyết vấn đề an toàn và tìm ra cách kiểm soát hiệu quả quá trình nổ của nó.
Năm 1852, vì công việc kinh doanh của gia đình phất lên rất nhanh do bán hàng cho quân đội Nga, Alfred Nobel được triệu về nhà. Cùng với cha, Alfred tiến hành các thí nghiệm để phát triển nitroglycerine thành các chất nổ có ích trong kỹ thuật và thương mại.
Chiến tranh ở Nga (1853-1856) kết thúc và tình hình biến đổi, Immanuel Nobel một lần nữa có nguy cơ phá sản. Cùng với hai con trai là Alfred và Emil, ông trở về Stockholm. Hai người con trai khác là Robert và Ludvig ở lại St.Peterburg. Vật lộn với nhiều khó khăn, họ đã cố gắng xoay xở để cứu lấy doanh nghiệp của gia đình và sau đó tiếp tục phát triển hãng dầu mỏ tại vùng phía của bắc đế chế Nga. Thành công trong lĩnh vực này đã đưa họ trở thành những người giàu có nhất thời kỳ đó.
Về Thuỵ Điển năm 1863, Alfred Nobel tập trung phát triển chất nổ nitroglycerine. Một vài tai nạn xảy ra, trong đó có vụ nổ năm 1864 đã giết chết người anh trai Emil và một vài người khác, khiến các quan chức thành phố Stockholm cho rằng chế tạo chất này là quá nguy hiểm. Các thí nghiệm về nitroglycerine bị cấm ngặt và Alfred phải đưa phòng thí nghiệm xuống một chiếc xuồng trên hồ Malaren.
Năm 1864, Alfred Nobel bắt đầu sản xuất nitroglycerin trên quy mô lớn. Để làm cho chất này an toàn hơn, ông đã thí nghiệm với nhiều chất phụ gia khác nhau, và nhanh chóng nhận ra rằng, nitroglycerine trộn với silic dioxide sẽ biến thành một dạng bột nhão, có thể nặn thành thỏi và các dạng khác dễ nhồi vào các lỗ khoét sẵn. Năm 1867, Alfred Nobel đăng ký bản quyền sáng chế cho vật liệu này dưới tên dynamite. Để có thể kích hoạt các thỏi thuốc nổ, ông cũng tìm cách tạo ra ngòi cho chúng.
Thị trường dynamite và ngòi nổ tăng rất nhanh. Alfred Nobel cũng tự học hỏi không ngừng, trở thành nhà kinh doanh tài ba. Năm 1865, nhà máy của ông tại Krummel, gần Hamburg, Đức đã xuất khẩu chất nổ tới các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Trong những năm sau đó, Alfred Nobel thành lập các nhà máy và phòng thí nghiệm ở hơn 90 điểm tại hơn 20 quốc gia. Ông tập trung phát triển công nghệ chất nổ cũng như phát minh ra nhiều vật liệu hoá học khác, trong đó cao su và da tổng hợp, tơ nhân tạo… Cho đến khi qua đời vào năm 1896, Nobel có 355 bằng sáng chế.
Đời tư không may mắn
Bertha Kinsky.
Công việc và du lịch triền miên khiến Alfred Nobel hầu như không còn thời gian cho cuộc sống riêng. Ở tuổi 43 ông mới cảm thấy cần một người phụ nữ. Trong quảng cáo đăng trên một tờ báo, Nobel ghi: “Một người đàn ông trung niên, giàu có, học vấn cao, tìm một phụ nữ trưởng thành, giỏi ngôn ngữ, làm thư ký và quản gia”. Lọt vào mắt xanh của Alfred Nobel là một phụ nữ người Áo - cô Countess Bertha Kinsky. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn ngủi bên Nobel, Bertha Kinsky quay về Áo, kết hôn với Count Arthur von Suttner. Mặc dù vậy, Alfred Nobel và Bertha von Suttner vẫn giữ tình bạn và thư từ cho nhau.
Nhiều năm sau, Bertha von Suttner trở nên căm ghét chiến tranh. Bà viết cuốn sách nổi tiếng Lay Down Your Arms (Đả đảo vũ khí) và trở thành nhân vật kiệt xuất trong các phong trào vì hoà bình thời đó. Chính điều này đã ảnh hưởng đến Alfred Nobel khi ông viết di chúc cuối cùng, trong đó dành hẳn một giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức có công thúc đẩy hoà bình. Vài năm sau khi ông qua đời, Quốc hội Nauy đã tặng giải Nobel Hoà bình cho Bertha von Suttner, năm 1905.
Nhiều công ty do Nobel sáng lập đã phát triển thành các doanh nghiệp công nghiệp lớn và hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, như Tập đoàn Hoá chất Hoàng gia Anh, Hiệp hội Thuốc nổ Pháp, và một tập đoàn thuốc nổ ở Nauy.
Alfred Nobel mất tại San Remo, Italia, vào ngày 10/12/1896. Trong di chúc của ông, người ta ngạc nhiên khi thấy phần lớn số tài sản kếch xù được Alfred Nobel dùng làm giải thưởng cho những người có đóng góp lớn lao cho nhân loại, trong lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Sinh lý học và Y học, Văn học và Hoà Bình.
2. Thành tựu
2.1 Thuốc nổ
Mọi nỗ lực của ông cũng được đền đáp khi năm 1867, ông nhận được bằng sáng chế thuốc nổ Dynamite. Sản phẩm của ông lần đầu tiên được thử nghiệm tại một mỏ khai thác đá ở Redhill. Từ đó, người dân bắt đầu thay đổi suy nghĩ về sản phẩm mà ông tạo ra.
Những sản phẩm sau này được ông chế tạo ra có sức công phá cao hơn. Các mỏ dầu do ông và các anh trai Ludvig và Robert Nobel khai thác đã mang về một gia sản lớn.
2.2 Giải Nobel danh giá
Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc gây kinh ngạc và khó hiểu cho mọi người khi ông chỉ dành một phần nhỏ gia tài của mình cho bạn bè và người thân để "khỏi tạo nên những kẻ lười biếng". Còn gần như toàn bộ tài sản của mình ông đã đem bán thành tiền mặt và gửi ngân hàng. Số tiền lãi hằng năm được trích ra để làm năm giải thưởng trao tặng cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại trên các lĩnh vực: Vật lý, Hoá học, Sinh học (hoặc Y học), Văn chương và Hoà bình.
Giải Nobel là một giải thưởng quốc tế được công bố hằng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thàng tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thuỵ Điển đã đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ đến nhà khoa học Alfred Nobel - người đã sáng lập ra giải Nobel. Trong các giải thưởng Nobel này thì giải Vật lý, Hoá học, Văn học và Kinh tế do Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thuỵ Điển quyết định; giải Y học do Uỷ ban Nobel của Viện Karolinska quyết định; và Giải Hoà bình do Uỷ ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.
Về quy trình để bình xét giải, vào tháng 9 của năm trước năm trao giải, Uỷ ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3000 chuyên gia là những người đã từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực vật lí, hoá học, sinh học hoặc y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại hoc và các viện nghiên cứu. Tới tháng 2 của năm trao giải sec là thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ. Uỷ ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó hội đồng sẽ chọn ra khoảng 250 - 350 người lọt vào vòng tiếp. Từ tháng 3 cho tới tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng viên và sau đó Uỷ ban Nobel sẽ tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu. Từ tháng 6 đến tháng 8, Uỷ ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử để gửi cho Viện Hàn lâm và bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng kí tên. Từ tháng 9 đến đầu tháng 10, Uỷ ban Nobel đệ trình ý kiến lựa chọn của họ lên Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thuỵ Điển và các tổ chức trao thưởng khác. Trên thực tế, không phải lúc nào đơn vị trao giải cũng làm theo sự tiến cử của Uỷ ban này. Vào đầu tháng 10, Viện hàm lâm chọn ra người đạt giải dựa trên đa số phiếu bầu, sau đó sẽ chính thức công bố tên của người đoạt giải. Việc bỏ phiếu để chọn ra người đạt giải Nobel sẽ được giữ bí mật đến phút chót. Hằng năm trước ngày 15/11 Ban tổ chức sẽ công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này. Theo quy định của Uỷ ban Nobel thì những thông tin liên quan đến quá trình xét tặng giải thưởng sẽ phải được giữ kín trong vòng 50 năm.
Một giải Nobel thường sẽ được trao tối đa cho 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận thì tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ. Lễ trao giải Nobel Y học, Vật lí, Hoá học, Văn học, Kinh tế sẽ được trao vào tháng 12 tại Stockholm, Thuỵ Điển và lễ trao giải Nobek Hoà bình sẽ diễn ra tại Olso, Na Uy. Chủ nhân của giải thưởng Nobel sẽ nhận được giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Số tiền sẽ phụ thuộc vào thu nhập của Uỷ ban Nobel. Năm 2017, quỹ Nobel đã quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel thêm 1 triệu krona so với mùa giải trước đó. Đây là lần điều chỉnh tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012 khi quỹ Nobel giảm giá trị tiền thưởng 20% mỗi hạng mục trong bối cảnh phải cân đối ngân sách dàu hạn.
Tuy rằng đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau về cách xét giải, nhưng phần lớn những người được nhận giải thưởng Nobel đều là những người có cống hiến vĩ đại cho nhân loại. Cùng với giải thưởng này, tấm lòng cao thượng và nhân đạo của Nobel - người sáng lập ra giải thưởng này sẽ mãi được nhân loại ghi nhận.