Đặc tính gắn bó trong thời thơ ấu
1. Khái quát
Theo nhà tâm lý học Mary Ainsworth, gắn bó “có thể được định nghĩa là một mối ràng buộc tình cảm hình thành giữa một con người hay một động vật với một đối tượng giống loài cụ thể khác – một ràng buộc liên kết họ lại với nhau trong một không gian và một khoảng thời gian kéo dài.”
Gắn bó không chỉ là một mối liên hệ giữa 2 người; nó là một mối ràng buộc thể hiện một ham muốn tiếp xúc thường xuyên với người kia và trải nghiệm sự đau khổ khi bị xa cách đối phương.
Đây là đặc tính đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt thời thơ ấu vì nó khiến trẻ và người chăm sóc chúng tìm kiếm sự gần gũi thân mật từ nhau. Bằng cách ở cạnh người chăm sóc, trẻ có thể đảm bảo mình được chăm lo và cảm thấy an toàn.
Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn một số lý do và cách thức hình thành các đặc tính gắn bó và ảnh hưởng của chúng lên suốt cuộc đời của một người.
2. Tại sao chúng ta hình thành những dạng thức gắn bó?
Nhà tâm lý học John Bowlby được đông đảo nhiều người xem là cha đẻ của thuyết gắn bó. Ông định nghĩa gắn bó là một “sự kết nối tâm lý kéo dài giữa nhân loại.” Ông cho rằng, thời thơ ấu đóng một vao trò tối quan trọng trong việc hình thành những dạng thức gắn bó và những trải nghiệm đầu tiên có thể ảnh hưởng lên những mối quan hệ mà con người có được trong cuộc đời sau này. Những dạng thức gắn bó có xu hướng kéo dài, thậm chí kéo dài rất lâu.
Những dạng thức gắn bó đầu tiên ta hình thành và với cha mẹ và với những người chăm sóc, đó có thể là lý do Bowlby tin rằng gắn bó có liên quan mạnh mẽ đến quá trình tiến hóa.
Những dạng gắn bó sớm với người chăm sóc giúp trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm, từ đó giúp chúng sinh tồn. Các dạng gắn bó tạo động lực giúp trẻ luôn ở gần cha mẹ, để họ chăm sóc và bảo vệ an toàn cho chúng, đảm bảo rằng chúng có tất cả mọi thứ chúng cần để sinh tồn.
Bowlby cho rằng có 4 đặc điểm quan trọng nhất khi nhắc đến đặc tính gắn bó:
Đầu tiên là duy trì sự tiếp xúc gần gũi, hoặc ham muốn ở gần người ta muốn gắn bó. Chúng ta tận hưởng sự đồng hành của những người chúng ta gắn bó, vì vậy ta luôn cố ở cạnh họ bất cứ khi nào có thể.
Gắn bó cũng tạo ra một tổ ấm an toàn, hoặc nhu cầu phải quay trở về với đối tượng mình gắn bó để được chăm sóc và cảm thấy thoải mái. Trong suốt thời gian cảm thấy đau khổ, sợ hãi, hoặc có cảm giác mông lung không chắc chắn, ta có thể tìm đến những người ta gắn bó để được chăm lo và cảm thấy yên lòng hơn.
Kế tiếp, đối tượng ta gắn bó cũng sẽ mang đến một chỗ dựa an toàn để ta khám phá thế giới. Điều này đặc biệt quan trọng trong suốt thời thơ ấu. Chỗ dựa an toàn này cho phép trẻ khám phá thế giới xung quanh, trong đầu luôn tâm niệm rằng mình luôn có thể quay về nơi an toàn với người mình gắn bó.
Cuối cùng, trẻ trải nghiệm sự đau buồn khi bị chia cách với đối tượng gắn bó. Ví dụ, trẻ có xu hướng trở bên buồn bực khi cha mẹ phải đi và để lại chúng cho người khác chăm sóc.
3. Tại sao gắn bó lại quan trọng?
Gắn bó đóng nhiều vai trò, mục tiêu quan trọng. Đầu tiên, nó giúp giữ trẻ ở gần người chăm sóc để chúng có thể nhận được sự chăm sóc, tiếp tục thúc đẩy cơ hội sinh tồn. Mối ràng buộc tình cảm quan trọng này cũng mang đến cho trẻ một nền tảng an toàn từ đó chúng có thể yên tâm khám phá môi trường. Các nhà nghiên cứu Ainsworth, Bowlby, Main và Solomon cũng cho rằng cách một đứa trẻ gắn bó với người chăm sóc của mình có thể có ảnh hưởng lớn lên chúng trong suốt thời thơ ấu và cả sau này khi trưởng thành. Người ta đã xác định được nhiều dạng thức gắn bó để mô tả mối liên kết tình cảm mà con trẻ xây dựng với cha mẹ hay người chăm sóc của mình. Sự thất bại trong xây dựng mối gắn bó an toàn với người chăm sóc có liên quan mất thiết đến những vấn đề như rối loạn cư xử và rối loạn thách thức chống đối.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dạng thức gắn bó thể hiện trong những năm đầu đời có thể gây ra ảnh hưởng kéo dài trong những mối quan hệ về sau này. Nhà tâm lý học Harry Harlow đã thực hiện nhiều thí nghiệm gây tranh cãi về sự cô lập xã hội ở loài khỉ nâu, thể hiện ảnh hưởng mang tính tàn phá của những dạng thức gắn bó tiêu cực trong những năm đầu đời. Ở một trong các thí nghiệm đó, khỉ sơ sinh bị tách ra khỏi khỉ mẹ và bị cho ở với những con khỉ mẹ thay thế khác. Khỉ mẹ ở đây một con đơn giản chỉ là một mô hình người quấn bằng dây thép cầm một cái chai, một con khác được bao bọc bởi vải bông mềm. Harlow đã phát hiện ra rằng khỉ con sẽ nhận thức ăn từ người “mẹ” quấn thép nhưng lại thích dành nhiều thời gian bên người “mẹ” vải bông mềm hơn.
Khỉ nâu trong thí nghiệm của Harlow – Rhesus Monkey in the Harlow’s Research. (Nguồn Brainpickings.org)Khi so sánh với các con khỉ đã được nuôi dạy bởi khỉ mẹ thật, những con khỉ được nuôi dạy bởi những “khỉ mẹ” thay thế tỏ ra nhút hơn và gặp phải các vấn đề cảm xúc và tương tác xã hội. Harlow cũng thấy rằng có một giai đoạn then chốt, chính tại giai đoạn này mà một mối gắn bó bình thường được hình thành. Nếu khỉ con không hình thành được mối gắn bó trong thời kỳ cửa sổ này, sự tổn thương cảm xúc mà chúng trải qua sẽ không bao giờ có thể bù đắp được.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi và bị cho là thí nghiệm tàn ác, nhưng nghiên cứu của Harlow đã giúp mô tả tầm quan trọng tối thượng của việc phát triển những dạng thức gắn bó an toàn và lành mạnh trong những năm đầu đời. Những mối gắn bó như vậy đóng một vai trò sống còn trong sự phát triển về sau.