Bến Tre: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả quan trọng
Với mục tiêu nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 9,3% trở lên trong năm 2023, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội
Bến Tre tập trung các nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Từ đánh giá của UBND tỉnh Bến Tre cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất các khu vực, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so cùng kỳ; tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn ngành dừa; thu ngân sách đạt khá, trong đó thu nội địa đạt 52,3% dự toán Trung ương giao, đạt 50,66% dự toán địa phương phấn đấu; hoạt động du lịch phục hồi tốt, lượng khách và doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư được tập trung ngay từ đầu năm 2023; việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tập trung chỉ đạo thực hiện để tạo lợi thế thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, Bến Tre cũng đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả vượt qua hạn mặn; năng lực và khả năng ứng phó với dịch bệnh được nâng lên. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ, đạt khá so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Đặc biệt, chính quyền các cấp đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là hưởng ứng phát động thi đua cao điểm “Đồng Khởi mới” trong công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, tạo sức lan tỏa, đồng thuận của người dân trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Các kết quả đạt được
Công trình phòng chống sạt lở bờ biển Bến Tre
Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 01/21 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết; 6/21 chỉ tiêu xấp xỉ đạt; 6/21 chỉ tiêu đạt từ 50 - 80% so Nghị quyết; 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%; riêng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) theo đánh giá của Tổng cục Thống kê ước đạt 3,4%, thấp hơn 5,9 điểm % so với Nghị quyết. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.815 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.750 tỷ đồng. Đồng thời huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 12.774 tỷ đồng, tăng 15,6% so cùng kỳ.
Hiện nay, các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 công trình, dự án, chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre. Qua đó, nhiều công trình, dự án đạt tiến độ khá tốt như: Dự án cầu Rạch Miễu 2; hệ thống thủy lợi, cấp nước; nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; các dự án điện gió; thành lập Trường Đại học Tây Nam bộ thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM; Đề án xây dựng Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách…
Cùng với đó, công tác quy hoạch và phát triển đô thị được tập trung triển khai các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, các địa phương đang khẩn trương hoàn tất các hồ sơ có liên quan để trình phê duyệt 4 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; triển khai các nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị; tổ chức lập quy hoạch các khu chức năng. Đồng thời phê duyệt đề án làng dừa huyện Mỏ Cày Nam; chủ trương lập đề án công nhận đô thị loại V các xã: Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), Tân Phú (Châu Thành), Phước Long (Giồng Trôm), Thới Thuận (Bình Đại).
Một góc đô thị ven sông TP Bến Tre
Riêng về công tác quản lý đất đai, tài nguyên được tập trung thực hiện. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 3.830/4.047 thửa đất đã xác lập pháp lý với diện tích 6.257/6.320ha, đạt tỉ lệ 99% và đã được đăng ký đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định. Có 5/9 huyện đã được phê duyệt và công bố Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện, các huyện còn lại đang tập trung hoàn thành. Công tác quản lý khoáng sản cát lòng sông được thực hiện ngày càng chặt chẽ, đang chuẩn bị các thủ tục đấu giá để thực hiện khi đủ điều kiện.
Lĩnh vực quản lý môi trường được tăng cường. Các vấn đề ô nhiễm môi trường, sản xuất than thiêu kết, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường được quan tâm giải quyết. Công tác quản lý, cải thiện chất lượng môi trường được kiểm soát chặt chẽ thông qua công tác kiểm tra định kỳ hàng năm. Công tác quản lý môi trường nước biển ven bờ được tăng cường thông qua 6 trạm quan trắc và giám sát môi trường tự động liên tục, đồng bộ với mạng lưới quan trắc địa phương, phục vụ tốt cho công tác quản lý, theo dõi diễn biết chất lượng môi trường, tác động môi trường đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản ven biển, bên trong khu vực đê, đập ngăn mặn, khu vực trữ nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Đối với công tác lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tập trung thực hiện. Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức thẩm định và thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Tỉnh Bến Tre đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện theo kết quả thẩm định, đã trình thông qua Hội đồng Quy hoạch tỉnh và đã trình lại Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh để xem xét, rà soát và cho ý kiến, làm cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Ngoài ra, các hoạt động liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng, hợp tác với TP.HCM và các tỉnh, thành phố trọng điểm của các vùng kinh tế được tập trung thực hiện. Đặc biệt là phối hợp tổ chức thành công hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025. Đồng thời phối hợp với các tỉnh Tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết Tiểu vùng năm 2023 trên 10 nhóm nội dung, công việc liên kết cụ thể.