Xác định tầm quan trọng của công tác lao động – việc làm
Xác định tầm quan trọng của công tác lao động – việc làm
Xác định tầm quan trọng của công tác lao động – việc làm, trong nhiều năm qua, tỉnh Bến Tre đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực trong giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho người lao động. Chỉ tính từ năm 2011 -2014, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 99.298 người (đạt 107,93% kế hoạch), giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 3,85% (năm 2011) xuống 3,45% vào năm 2014, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn) lên 90,61% vào năm 2014, góp phần nâng cao mức sống và ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.
Bối cảnh chung
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 4 năm qua số người được giải quyết việc làm qua phát triển kinh tế là 41.407 người, giới thiệu việc làm qua các trung tâm 19.487 người, lao động tự tìm việc làm ngoài tỉnh 29.890 người, giải quyết việc làm từ các dự án cho vay vốn quỹ quốc gia việc làm trên 6.972 người, xuất khẩu lao động 1.581 người.
Riêng 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11.314 người (nữ 5.872 người), trong đó qua phát triển kinh tế 5.170 người, tự làm việc ngoài tỉnh: 3.669 người, Quỹ quốc gia về việc làm 773 người, Giới thiệu việc làm qua các trung tâm 1.441 người và xuất khẩu lao động 261 người. Qua đó, nâng mức thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người lao động, nhất là người lao động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã chủ động điều tra thị trường lao động để nắm rõ thực trạng lao động, biến động cung- cầu lao động tại địa phương. Trong năm 2014, tỉnh đã tổ chức được 20 lớp tập huấn cập nhật biến động thông tin thị trường lao động, cập nhật biến động lao động trong các doanh nghiệp năm 2014 ở các huyện, thành phố cho 1.680 cán bộ trên toàn tỉnh tham gia. Qua cập nhật thông tin thị trường lao động (phần cung – cầu lao động), năm 2014 tổng số hộ trên địa bàn tỉnh là 351.213 hộ so với năm 2013. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức điều tra lao động – tiền lương và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp cho điều tra viên của các huyện, thành phố để điều tra 154 doanh nghiệp mẫu, 308 phiếu người lao động theo yêu cầu của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội...
Giai đoạn 2016 – 2015, tỉnh đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 90.000 lao động (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 18.000 lao động/năm), đưa lao động đi xuất khẩu lao động 1.500 người ( bình quân mỗi năm 300 người/năm), giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 3,5% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 60%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 30%.
Các giải pháp thực hiện
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian tới Bến Tre sẽ thực hiện đồng bộ các các giải pháp sau:
Một là, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về lao động – việc làm, thông tin thị trường lao động để định hướng và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động trong công nghiệp, dịch vụ; duy trì hoạt động Sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm hàng tháng và đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Chú trọng hoạt động đào tạo nghề, nhất là các nghề đang được doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao; dạy nghề để giải quyết việc làm tại chỗ, đào tạo tay nghề cho người lao động để giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh; có chính sách hộ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vay vốn mở rộng sản xuất và thu hút nhiều lao động... Bên cạnh đó, sẽ tổ chức quán triệt trong nội bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu sâu hơn vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, những băn khoăn, lo lắng để người dân an tâm động viện con em mình tham gia xuất khẩu lao động. Tiếp tục đẩy mạnh và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người đi làm việc ở nước ngoài, nhất là đối với lao động diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn...
Hai là, tiếp tục sàng lọc và chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín ở từng thị trường để liên kết, phối hợp tổ chức tuyên truyền, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng, đào tạo nghề tại tỉnh đạt chất lượng theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đề xuất các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người lao động học nghề, tăng dần số lượng lao động có tay nghề của tỉnh khi đi làm việc ở nước ngoài. Mở rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các địa phương trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động một cách hiệu quả và góp phần giảm nghèo bền vững trong thời gian tới./.