(Y học - Sức khỏe) Trầm cảm tuổi học đường có phải do học căng thẳng?
Không chỉ phụ nữ sau sinh mà tuổi học đường cũng là đối tượng dễ mắc phải rối loạn trầm cảm, đây lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh, dễ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ, áp lực, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Trầm cảm tuổi học đường là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Có nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi vẫn không biết bệnh trầm cảm là gì nên không thể kịp thời phát hiện và xử trí khi những rối loạn trầm cảm xảy đến với con em của mình. Trầm cảm là bệnh lý của bộ não, thể hiện sự thay đổi chất dẫn truyền thần kinh trong não, hoặc những tổn thương. Trầm cảm tuổi học đường là một tình trạng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì có thể gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và cách hành xử của trẻ.
1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở lứa tuổi học đường
Trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể đến từ các nguyên nhân như:
- Bị trầm cảm do áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội: những áp lực từ việc học hành, từ các mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội cũng như việc dạy dỗ từ gia đình, nhà trường gây cho các em cảm giác căng thẳng, stress, mệt mỏi, áp lực lớn và kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng trầm cảm
- Đây là giai đoạn tâm sinh lý thay đổi gây trầm cảm: Ở lứa tuổi học đường là các em sẽ bước vào thời kỳ dậy thì, tâm sinh lý ở khoảng thời gian này đang thay đổi nên các em chưa có đủ khả năng nhận thức toàn diện về một vấn đề gặp phải. Các em dễ bị ảnh hưởng từ chính những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi cá nhân. Trong trường hợp này nếu không được định hướng đúng thì những suy nghĩ và hành vi tiêu cực sẽ ám ảnh các em gây nên những hành động đáng tiếc
- Nguyên nhân sinh học: Các chất dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm chức năng dẫn truyền tín hiệu tới những thành phần khác của não bộ và cơ thể. Khi các chất dẫn truyền này bị biến đổi hoặc hư hại thì chức năng cảm thụ của hệ thần kinh cũng bị thay đổi dẫn đến bệnh trầm cảm
- Đặc điểm di truyền: Những người có người thân bị trầm cảm thường có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với những người bình thường
- Bị ám ảnh những đau thương từ lúc nhỏ cũng là nguyên nhân khiến các em bị trầm cảm. Những việc đau thương thời thơ ấu như bị lạm dụng thể xác và tinh thần, người thân qua đời,... gây thay đổi trong não bộ, khiến các em ở lứa tuổi học đường dễ bị trầm cảm
- Ở lứa tuổi học đường mắc trầm cảm còn do lối sống không lành mạnh: những thói quen xấu ở tuổi thanh thiếu niên như lười vận động, nghiện điện tử, thức khuya, ăn uống không điều độ, sử dụng các loại chất kích thích... là những nguyên nhân gây suy giảm thể chất, suy nhược thần kinh dẫn đến trầm cảm.
- Lứa tuổi học đường là giới tính thứ ba, khi các em nhận ra giới tính thật của bản thân sẽ thường tự ti, mặc cảm và nhiều khi do sự trêu chọc, dè bỉu của bạn bè mà dẫn đến áp lực rồi trầm cảm.
2. Dấu hiệu mắc trầm cảm ở lứa tuổi học đường
Thường xuyên cảm thấy cáu giận:
Ở lứa tuổi này, các em chỉ học tập để vật lộn với một loạt cảm xúc của con người. Vì vậy, khi cảm thấy chán nản, các em thường có xu hướng trở nên nóng tính và thể hiện sự tức giận bằng cách la hét, đập cửa hay những điều tương tự.
Cảm thấy vô dụng hay không có giá trị:
Khi ở tuổi này mà các em bắt đầu thấy cuộc sống của mình vô vị, chẳng có giá trị nào, thường nói mình cảm thấy mình vô dụng thì phụ huynh hãy cẩn thận. Đây là dấu hiệu cho thấy con đang hướng tới thế giới đen tối của trầm cảm.
Cảm thấy buồn mà không hề có lý do:
Phụ huynh thấy con mình ảm đạm, trầm lắng mà không có lý do chính đáng. Tần suất xảy ra ngày một thường xuyên hơn, thì đây là lúc cần dành nhiều thời gian tìm hiểu và giúp đỡ con vượt qua.
Thói quen ngủ thay đổi :
Một dấu hiệu quan trọng của bệnh trầm cảm ở tuổi học đường là sự thay đổi mạnh mẽ trong kiểu ngủ và thói quen ngủ. Các em thường ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít thì bố mẹ cần phải thận trọng và theo dõi con một cách cẩn thận.
Trở nên thèm ăn:
Một số thanh thiếu niên tự đối phó với trầm cảm và căng thẳng bằng cách ăn uống quá mức. Mặc dù, một số chỉ dừng lại ở việc ăn nhưng bố mẹ cũng cần thận trọng.
Mất hứng thú trong công việc, sở thích:
Khi thấy con chỉ ngồi yên mà không có biểu hiện quan tâm đến bất kỳ hoạt động chúng từng thích thú trước đó, mất hứng thú và rút khỏi các hoạt động yêu thích chứng tỏ đang có một cái gì đó gây phiền toái chúng.
Luôn cảm thấy mệt mỏi:
Hãy quan sát bạn bè của chúng xem có biểu hiện mệt mỏi ở mọi lúc như con mình không, vì đây có thể là một tiếng chuông cảnh báo!
Có thái độ thù địch đối với cha mẹ và xã hội:
Thù địch quá mức hay nổi loạn có thể là một chiến lược đối phó với sự chán nản của các em ở lứa tuổi học đường. Vì vậy, thay vì trừng phạt, phụ huynh nên cố gắng quan tâm, chia sẻ với con hơn và tìm hiểu những lý do thực sự đằng sau những hành vi như vậy.
Thích ở một mình:
Mỗi đứa trẻ nói chung đều thấy thích khi được tôn trọng sự riêng tư. Nhưng nếu trẻ tự tách mình ra khỏi bạn bè và gia đình thì đó là một dấu hiệu cho thấy chúng đang cần giúp đỡ.
Bị ám ảnh bởi việc tự tử hay cái chết:
Nếu cuộc trò chuyện của trẻ xoay quanh cảm xúc của cái chết hoặc tự sát, thì đừng xem nhẹ việc này và hành động nhanh chóng.
3. Phải làm gì khi con có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm?
Đừng lơ là các dấu hiệu của con:
Cha mẹ cần quan tâm con, bày tỏ tình yêu thương, không dò xét con. Cha mẹ nên trò chuyện với con, gợi mở để trẻ có thể chia sẻ những gì mà trẻ đang trải qua; thực sự lắng nghe trẻ nói, sẵn sàng giúp đỡ trẻ giải quyết những hành vi rắc rối và rối loạn cảm xúc.
Động viên kết nối với xã hội
Những trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích và bạn bè. Tuy nhiên, đơn độc chỉ khiến tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Cha mẹ hãy khéo léo giúp bé tái kết nối với xã hội, cho trẻ đi chơi, du lịch…
Ưu tiên hàng đầu củng cố sức khỏe thể chất
Sức khỏe thể chất và tinh thần có sự kết nối chặt chẽ. Trầm cảm sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém. Thời đại ngày nay, trẻ vị thành niên thường có những thói quen không lành mạnh như: dậy trễ, ăn các món nhiều calo và ngồi hàng giờ bên điện thoại và máy tính.
Vì vậy, cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực bằng các hoạt động vui chơi và sinh hoạt cả gia đình vào những ngày nghỉ.
Biết được khi nào cần kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia
Khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng trầm cảm của trẻ không cải thiện, cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ các chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học
Chăm sóc chính bản thân cha mẹ (và các thành viên còn lại)
Khi có con bị trầm cảm, cha mẹ có thể thấy bản thân mình tập trung quá nhiều sức lực và tinh thần vào con, mà quên đi nhu cầu của bản thân và của các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ nên quan tâm đến chính bản thân và các thành viên khác. Đừng để trẻ thấy vì mình mà cha mẹ tiều tụy, buồn rầu. Chính cha mẹ bình an, lạc quan, vui vẻ thì sẽ truyền năng lượng tích cực đến cho trẻ.