Vì Sao Gạo Bị Mọt? Gạo Bị Mọt Có Ăn Được Không?
Gạo khi chúng ta bảo quản không đúng cách hay gạo lâu ngày có thể bị mọt, vậy khi gạo bị mọt có ăn được không và xử lý ra sao? Cùng 1shop.vn tìm hiểu ngay nhé.
Mọt gạo là gì?
Mọt gạo là loài côn trùng phổ biến thường xuất hiện trong các loại ngũ cốc như gạo, lúa mì, ngô... Đặc biệt là gạo sạch, loại gạo mà không qua xay xát kỹ lưỡng hoặc không sử dụng thuốc trừ sâu khi trồng trọt thì loại gạo đó dễ bị mọt tấn công hơn. Thế nên, sự xuất hiện của mọt trong gạo cũng không hẳn là dấu hiệu xấu.
Trứng của mọt gạo có thể bám vào hạt thóc ở nhiều thời điểm khác nhau mà chúng ta không hề biết như bám trên cánh đồng hoặc khi phơi thóc, xay xát gạo... Mỗi con mọt cái có thể đẻ khoảng 380 trứng, và vòng đời của chúng kéo dài tới 8 tháng. Mọt gạo trưởng thành có kích thước dài khoảng 2mm, với hàm răng sắc nhọn và thân màu nâu đen hoặc ánh đỏ trên cánh.
Vì sao gạo bị mọt?
Lúc mua gạo, thì gạo sạch và không hề có một con mọt nào, nhưng sau thời gian bảo quản không đúng cách, mọt bắt đầu xuất hiện. Một số nguyên nhân mà gạo bị mọt bao gồm:
Trứng mọt có sẵn đã bám sẵn vào gạo
Trứng mọt có thể đã tồn tại trên hạt thóc từ khi thu hoạch hay trên cánh đồng. Hạt thóc thì nhờ có lớp vỏ ngoài cứng cáp bảo vệ, trong khi đó hạt gạo lại không có nên dễ bị mọt tấn công. Trứng mọt rất nhỏ, nên mắt thường chúng ta khó mà phát hiện và thấy được, nhưng khi chúng nở và phát triển, con mọt sẽ hiện rõ, chúng ta có thể nhìn ra được. Mọt sẽ lấy dinh dưỡng từ hạt gạo để phát triển.
Do gạo còn giữ lớp vỏ cám gạo
Đặc biệt, nếu gạo giữ lại lớp cám bên ngoài, khả năng bị mọt tấn công sẽ tăng lên do lớp cám giàu dinh dưỡng và tỏa ra mùi hương thu hút chúng. Vậy nên khi mà còn lớp cám gạo này mà bạn còn để gạo ở nơi ẩm ướt thì khả năng bị mọt là rất lớn.
Điều kiện bảo quản
Gạo được lưu trữ trong môi trường có độ ẩm và nhiệt độ không phù hợp sẽ la môi trường phù hợp cho mọt phát triển. Chúng sinh sôi tốt nhất trong nhiệt độ từ 20°C - 40°C và độ ẩm từ 65% - 90%. Nếu quá trình bảo quản gạo sai cách, sẽ khiển cho mọt dễ dàng xâm nhập.
Môi trường ẩm ướt
Khi gạo được lưu trữ trong môi trường ẩm, hoặc bạn để gạo gần lúa, thì nguy cơ bị mọt xâm nhập và phát triển rất cao. Do đó, bạn nên bảo quản gạo ở nơi khô ráo và thoáng mát, đồng thời tránh để lúa ở gần gạo khi bảo quản.
Những yếu tố này là nguyên nhân chủ yếu khiến gạo dễ bị mọt nếu không được bảo quản đúng cách.
Gạo bị mọt có ăn được không? Có nên ăn không?
Theo các chuyên gia, gạo bị mọt ở mức độ nhẹ vẫn có thể sử dụng mà không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, do mọt trong quá trinh phát triển đã hút một phần dinh dưỡng trong hạt gạo, nên gạo bị mọt sẽ giảm đi dưỡng chất so với ban đầu. Đồng thời, khi ăn, làm giảm hương vị của gạo, mùi thơm, vị bùi ngon của gạo cũng không còn.
Dẫu vậy, nếu mọt xuất hiện với số lượng lớn, thì tốt nhất là nên loại bỏ. Các con mọt trưởng thành trong gạo với số lượng nhiều có thể sản sinh ra các chất không có lợi như benzoquinone và aflatoxin, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hơn nữa, gạo bị mọt lâu ngày có nguy cơ bị mốc, vón cục hoặc đổi màu. Nếu gặp phải những dấu hiệu này, hãy loại bỏ ngay để tránh ngộ độc thực phẩm.
Cách xử lý gạo bị mọt để tiếp tục sử dụng
Nếu gạo của bạn mới hay chỉ xuất hiện tình trạng mọt, tình trạng mọt nhẹ, bạn có thể áp dụng một số cách sau để xử lý gạo và tiếp tục sử dụng:
- Phơi nắng: Đưa gạo ra phơi dưới nắng lớn, điều này giúp mọt tự bò ra ngoài, sau đó bạn có thể lọc lấy phần gạo sạch
- Sử dụng máy sấy: Nếu không thể phơi nắng, bạn có thể dùng máy sấy với chế độ sấy nóng, nhiệt độ cao là mọt sẽ tự động chui ra
- Đặt chai rượu trong thùng gạo: Mở nắp chai rượu và đặt vào giữa thùng gạo, điều này giúp xua đuổi mọt
- Sử dụng hạt tiêu bắc: Hãy rải một ít hạt tiêu bắc vào thùng gạo, mùi cay nồng và hắc sẽ khiến mọt tránh xa.
Bằng cách này, bạn có thể tiếp tục sử dụng gạo một cách an toàn và đảm bảo vệ sinh.
Cách bảo quản gạo đúng cách
Để tránh gạo bị mọt và bảo quản gạo lâu dài, bạn có thể áp dụng các cách sau:
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát
Đảm bảo gạo được để ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản gạo là dưới 15 độ C, tuy nhiên thông thường nhiệt độ này ở các hộ gia đình thường khó mà đạt được, do đó bạn chỉ cần cho gạo vào hũ kín, đậy nắp kín, hoặc mua các thùng đựng gạo trên thị trường. Điều quan trọng là bạn nên sử dụng lượng gạo vừa phải, sau đó hết thì mua thêm, không nên mua quá nhiều.
Còn những gia đình có lúa hạt sẵn thì nên xay xát một lượng gạo vừa ăn, điều này tránh việc mối mọt hay hư hỏng gạo khi bảo quản.
Thêm chất bảo quản tự nhiên
Bạn có thể cho vài nhánh tỏi, hoặc hạt tiêu vào thùng gạo. Những chất này có mùi hương tự nhiên giúp xua đuổi mọt. Giúp gạo của bạn thơm ngon và không bị mọt xâm nhập và làm giảm hương vị cũng như dưỡng chất.
Đóng kín gạo sau khi mở
Sau khi mở túi gạo ra để sử dụng, bạn hãy lấy lượng gạo mình cần dùng sau đó đóng kín lại. Điều này giúp ngăn không cho không khí và côn trùng xâm nhập, từ đó giúp bạn sử dụng được lâu hơn mà không bị mọt.
Bảo quản lạnh
Nếu có điều kiện, bạn có thể bảo quản gạo trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Nhiệt độ thấp từ 10~18°C sẽ ngăn chặn sự phát triển của mọt. Tuy nhiên cách làm này thường dành cho nhà kho, nhà cung cấp gạo, chứ gia đình bình thường thì khó làm được.
Sử dụng hộp nhựa hoặc thủy tinh
Dùng hộp nhựa hoặc thủy tinh có nắp đậy kín để bảo quản gạo. Hộp kim loại cũng là lựa chọn tốt nhưng cần kiểm tra kỹ để hộp, đừng để nó bị hen gỉ nhé. Hiện nay thấy mọi người thường ưu tiên dùng hộp nhựa, vừa rẻ vừa bảo quản được gạo lâu.
Kiểm tra và vệ sinh định kỳ
Kiểm tra gạo thường xuyên để phát hiện sớm mọt nếu có, nếu xuất hiện mọt thì bạn cũng nhanh xử lý hay loại bỏ kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cũng cần vệ sinh thùng đựng gạo định kỳ để đảm bảo thùng sạch, khô ráo và không chứa các tạp chất hay mọt còn sót lại.
Chọn gạo sạch, chất lượng
Chọn gạo ngon, sạch, ưu tiên gạo hữu cơ. Việt Nam là xứ sở của gạo nên có rất nhiều loại gạo khác nhau từ bình dân đến cao cấp. Do đó, bạn nên chọn những loại gạo có nguồn gốc rõ ràng để sử dụng.
Bằng cách áp dụng những cách này, bạn sẽ giữ cho gạo luôn sạch sẽ và không bị mọt tấn công.
Cách chế biến gạo bị mọt nhẹ
Nếu gạo bạn chỉ bị mọt nhẹ, thì bạn có thể xử lý chúng và sử dụng. Một số gợi ý sau sẽ giúp bạn dùng gạo thơm ngon hơn:
- Lấy gạo vo sạch, nếu cùng 1 phần sữa tươi không đường và 3 phần nước, cho vào nồi nấu cơm như bình thường
- Cho 2 thìa dầu oliu hay dầu mè vào nồi cơm cũng là một cách giúp cơm ngon hơn
- Thêm một ít muối và giấm ăn vào, cơm sẽ tươi xốp và mềm
- Có thể dùng nước trà xanh để nấu với gạo
- Có thể dùng nước dừa tươi nấu cơm...
Đây là một số gợi ý giúp bạn nấu gạo bị mọt nhẹ mà bạn có thể tham khảo, cách này giúp cơm ngon, dẻo và thơm hơn. Tuy nhiên chỉ áp dụng cho trường hợp mọt nhẹ nhé!