TRIZ nâng cao năng suất lao động: Từ lý thuyết đến thực tiễn
Lý thuyết giải các bài toán sáng chế TRIZ đã được nhiều tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Samsung, Intel, … áp dụng để gia tăng số lượng bằng sáng chế, góp phần mang lại lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó họ còn áp dụng TRIZ một cách hệ thống để cải tiến các công đoạn sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động.
1. TRIZ giúp khử các mâu thuẫn kỹ thuật
Lý thuyết giải các bài toán sáng chế TRIZ được Genrikh Saulovich Altshuller, một kỹ sư người Nga, gốc Do Thái xây dựng lên từ việc nghiên cứu rất nhiều bằng sáng chế. Khác với cách tiếp cận theo hướng tâm lý, Altshuller tiếp cận sáng tạo theo hướng các quy luật khách quan. Tiền đề quan trọng để Altshuller xây dựng TRIZ là “Sáng tạo sáng chế làm thay đổi các hệ thống kỹ thuật mà các hệ thống này phát triển theo các quy luật khách quan nhất định, không phụ thuộc tùy tiện vào tâm lý chủ quan của các nhà sáng chế. Do vậy, chỉ có thể nâng cao năng suất và hiệu quả quá trình sáng tạo sáng chế khi nhà sáng chế nắm vững các quy luật phát triển khách quan đó và biết điều khiển tâm lý chủ quan của mình theo chúng”.
Từ việc nghiên cứu các bằng sáng chế, bằng phương pháp thống kê Altshuller đã xây dựng được 40 thủ thuật sáng tạo. Ông cũng phát hiện ra trong các bài toán sáng chế thường chứa mâu thuẫn kỹ thuật, từ đó ông xây dựng được 39 thông số kỹ thuật. Để giải quyết các mâu thuẫn kỹ thuật, Altshuller đã sáng tạo ra bảng khử các mâu thuẫn kỹ thuật. Bảng khử các mâu thuẫn kỹ thuật là một ma trận hình vuông gồm 39 hàng và 39 cột. Từ bảng khử này có thể giải quyết được khoảng 1.200 các loại mâu thuẫn kỹ thuật khác nhau. Tiếp đó, Altshuller phát hiện ra một loại mâu thuẫn mang tính cốt lõi là mâu thuẫn vật lý, và để giải quyết mâu thuẫn này ông đã thiết kế ra 11 biến đổi mẫu, 76 chuẩn và chương trình ARIZ.
Có thể nói TRIZ sở hữu một bộ công cụ rất mạnh để giải quyết các bài toán kỹ thuật và tạo được một cơ sở lý thuyết tốt để hỗ trợ cho hoạt động sáng chế.
2. Thực hành
TRIZ được xây dựng trên nền tảng tổng hợp của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như: Điều khiển học, Lý thuyết thông tin, Hệ thống thông tin patent, Lý thuyết hệ thống, Tâm lý học sáng tạo, …. Vì vậy việc làm chủ và vận dụng tốt được TRIZ cần dựa trên nền tảng kiến thức tổng hợp, liên ngành.
Sau khi hiểu về TRIZ, tôi đã tổ chức các lớp học thử nghiệm cho sinh viên (chủ yếu là đội ngũ lớp trưởng, bí thư) để hoàn thiện dần hệ thống bài giảng. Tiếp đó là một loạt các lớp cho giảng viên để họ đánh giá, góp ý. Sau khi hoàn thiện hệ thống bài giảng tôi đề xuất và được chấp nhận đưa thành môn học chính khóa cho sinh viên các khoa: Công nghệ thông tin, Công nghệ May & Thiết kế thời trang, Điện tử và khoa Công nghệ Ô tô của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Cho đến nay đã có 2.233 sinh viên được học một cách đầy đủ, bài bản về TRIZ trong chương trình chính khóa. Các sinh viên khi được tiếp xúc với môn học này đã có những phản hồi tích cực, hứng thú rất hứng thú với môn học này. Một số viện, trường cũng đã tổ chức các lớp ngoại khóa cho giảng viên và nghiên cứu viên như: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Sở KH&CN Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH FPT, …
Sau khi triển khai thành công các khóa đào tạo về TRIZ cho các viện, trường tôi đặt câu hỏi: liệu có thể đưa vào giúp các doanh nghiệp ứng dụng TRIZ để nâng cao năng suất lao động hay không? Từ suy nghĩ đó tôi bắt đầu hành trình thuyết phục doanh nghiệp. Hành trình này thực sự vô cùng khó khăn, bởi lẽ hầu hết các doanh nghiệp không có thông tin về TRIZ. Hơn nữa rất khó để giúp doanh nghiệp hình dung về kiến thức và hiệu quả của TRIZ khi chưa có minh chứng bằng các kết quả cụ thể. Mặt khác, khi tiếp xúc với doanh nghiệp tôi thấy niềm tin của doanh nghiệp vào các trường đại học là khá thấp. Có doanh nghiệp nói thẳng: “những vấn đề này chúng tôi chả dạy các anh thì thôi các anh lại còn đòi đi dạy chúng tôi, các anh chỉ toàn lý thuyết suông mà không có chút thực tiễn nào cả”. Tôi kiên trì giải thích để các doanh nghiệp hiểu và họ dần chấp nhận huấn luyện và ứng dụng TRIZ, đến nay đã có một số doanh nghiệp như Samsung Display Vietnam, Foster Việt Nam, Khang Minh Group… Những câu chuyện dưới đây cho thấy hiệu quả khi áp dụng TRIZ ở các đơn vị này:
Quá trình ứng dụng TRIZ tại các doanh nghiệp thường được thực hiện làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là đào tạo, trong giai đoạn này các kỹ sư được trang bị kiến thức cơ bản của TRIZ, thực hành TRIZ thông qua các trường hợp cụ thể. Giai đoạn 2 là giai đoạn tư vấn – chuyên gia sẽ cùng nhóm kỹ sư chủ chốt tập trung phát hiện các vấn đề kỹ thuật, công nghệ cần cải tiến. Sau đó cùng nhau thảo luận áp dụng các công cụ của TRIZ đưa ra ý tưởng cải tiến. Sau đây là một số kết quả điển hình trong việc ứng dụng TRIZ để nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp.
Đào tạo và tư vấn TRIZ